UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định quy định giá trần đối với mức thu phí dịch vụ chung cư. Nhưng, người dân sống trong các cao ốc đang lo ngại, liệu các chủ đầu tư có tìm cách để "lách luật", vì nếu thu với mức cao nhất 4.000 đồng/m2/tháng, thấp hơn nhiều lần so với mức thu hiện nay, các chủ đầu tư sẽ mất một khoản tiền không nhỏ.

Thu phí dịch vụ chung cư: Tùy tiện và áp đặt


Đứng đầu danh sách các khu chung cư bị thu phí dịch vụ cao ngất ngưởng là các khu The Manor, Golden Westlake, Sky City, 93 Lò Đúc và Keangnam. Chỉ cách đây vài tuần, cư dân của các khu chung cư này đã cùng nhau kiến nghị TP Hà Nội ban hành quy định về mức trần phí quản lý chung cư để có cơ sở tiếp tục thương lượng với các chủ đầu tư.


Trước đó, sau nhiều lần đấu tranh, các hộ dân của khu chung cư Sky City 88 Láng Hạ đã thành công khi buộc chủ đầu tư phải hạ phí trông giữ xe ôtô xuống đúng mức quy định của TP là 1.250.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mức thu phí dịch vụ ở khu chung cư này vẫn đang ở mức 8.000 đồng/m2/tháng, cao gấp đôi mức phí trần mới được đưa ra của UBND TP Hà Nội.


Còn với các hộ dân ở chung cư 93 Lò Đúc, sau nhiều năm bằng lòng chấp nhận mức thu 400.000 đồng/tháng đối với các căn hộ có diện tích trên 180m2, và 300.000 đồng/tháng đối với căn hộ có diện tích dưới 180m2, họ đã sửng sốt khi bất ngờ nhận được thông báo của chủ đầu tư vào tháng 7 vừa qua, trong đó, mức phí dịch vụ sẽ được nâng cao gấp đôi. Mức phí này, tất nhiên cũng không được thông qua người dân để có sự bàn bạc, thỏa thuận.


Cá biệt, một số khu chung cư cao cấp lại tính phí dịch vụ bằng USD như chung cư Golden Westlake (quận Tây Hồ), bắt đầu từ tháng 6/2010, người dân trong khu chung cư phải nộp mức phí dịch vụ do Công ty TNHH quản lý Leonidas đưa ra là 0,8 USD/m2, nếu tính cả thuế VAT là 0,88 USD/m2. Nếu quy đổi theo tỷ giá hiện hành thì một căn hộ có diện tích 145m2, số tiền phí dịch vụ phải nộp trong quý 3 lên tới hơn 8 triệu đồng, bằng mức lương công nhân của nhiều công ty.


Bà Lê Thị Minh Thảo, một hộ dân ở khu chung cư Keangnam cho biết, trước đây, đơn vị quản lý tòa nhà cũng tính bằng USD nhưng sau nhiều lần người dân phản đối, mức phí này đã được tính bằng tiền VNĐ, nhưng mức phí này cũng rất cao: 18.670 đồng/m2/tháng.


Điều đáng nói là ngoài mức thu cao khó chấp nhận đối với cư dân sống trong khu chung cư, khách đến cũng phải chịu mức phí gửi xe máy một lượt là 20.000 đồng/xe và ôtô là 60.000 đồng/xe. Tuy nhiên, dù biết mình phải chịu mức phí cao vô lý nhưng tất cả các hộ dân sống trong những khu chung cư này đều không thể phản đối hay chí ít là thương lượng với cơ quan đang quản lý tòa nhà. Và một trong những bất cập lớn nhất là trước đây, không có giá trần đối với phí quản lý chung cư.


Cũng phải nói rằng, nhiều khu chung cư, đặc biệt là các khu tái định cư lại có mức phí dịch vụ khá dễ chịu và người dân hầu như không phải phàn nàn gì về mức phí này. Tuy nhiên, vì giá "bình dân" nên đơn vị quản lý thường cào bằng các hộ với mức thu như nhau chứ không tính theo diện tích sử dụng. Khu nhà N4b đường Lê Văn Lương là một trong những chung cư có mức giá dịch vụ thấp nhất là 30.000 đồng/hộ/tháng. Mức phí gửi xe máy ở đây cũng chỉ 30.000 đồng/xe/tháng. Mức phí này là mức đồng nhất cho tất cả các hộ. Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) thì có mức cao hơn, 120.000 đồng/hộ/tháng và phí trông giữ xe là 80.000 đồng/xe máy/tháng.


Có giá trần phí dịch vụ chung cư, vẫn lo lách luật


Chưa thể thở phào


Mới đây, ngày 29/9, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt đề án giá dịch vụ nhà chung cư và mức giá trần dịch vụ trên địa bàn. Theo văn bản này, mức phí thấp nhất sẽ là 2.400 đồng/m2/tháng, áp dụng cho chung cư không có thang máy. Đối với trường hợp có thang máy, mức phí dao động từ 3.100 đồng đến 4.000 đồng/m2/tháng tùy thành phần công việc. Đó là mức phí hợp lý bởi mức giá này đã được thành phố tính đến chi phí để thực hiện hoàn chỉnh công việc, phí quản lý chung, lợi nhuận của doanh nghiệp, thuế VAT và sẽ được áp dụng tạm thời trong vòng một năm kể từ ngày 29/9.


Các dịch vụ của chung cư sẽ bao gồm quét dọn, vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà, quản lý vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà theo quy định của nhà sản xuất và chuyên ngành, thay rửa bể nước đảm bảo vệ sinh, bảo vệ an ninh, trật tự trong tòa nhà...


Theo hướng dẫn của UBND TP Hà Nội, việc xác định giá dịch vụ chung cư của tòa nhà cụ thể phải căn cứ theo đặc thù từ nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà, từ thỏa thuận của các bên liên quan hoặc từ điều kiện hạ tầng, môi trường để xác định cho phù hợp. Trường hợp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có quy định về các điều kiện liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Các loại dịch vụ chưa có hoặc có nhưng chưa đủ thành phần công việc (về tần suất, chất lượng) trong giá dịch vụ nhà chung cư được ban hành theo quyết định này, thì người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp tổ chức quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm thỏa thuận với nhau theo đúng các quy định hiện hành. Đối với đơn vị quản lý vận hành tòa nhà chung cư phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư và các nguồn thu, chi khác đảm bảo công khai theo đúng quy định của nhà nước.


Quyết định áp mức trần thu phí dịch vụ chung cư của UBND TP Hà Nội đã chấm dứt kiểu quản lý độc quyền, áp đặt của các chủ đầu tư đối với chính những người sở hữu chung cư đó. Và có thể nói rằng, các hộ dân đã đòi được quyền tự chủ một phần trong việc quản lý chính căn nhà thuộc quyền sở hữu của họ. Nhưng, nhiều người cũng lo lắng, e ngại các chủ đầu tư sẽ tìm mọi cách "lách" bởi nếu áp dụng mức phí trần theo đúng quy định, sẽ thấp hơn rất nhiều lần so với mức phí họ đang thu.


Như vậy, hoặc chất lượng dịch vụ sẽ đi xuống, hoặc mức tiền chênh này sẽ lại được "biến" thành một khoản thu nào đó. Điều này không phải không có cơ sở bởi sau khi áp dụng mức thu phí trông giữ xe ôtô tới hơn 2.000.000 đồng/tháng và bị phản đối, các chủ đầu tư đã buộc phải hạ xuống bằng mức giá quy định của UBND TP Hà Nội. Nhưng bù lại, phí giữ xe của khách đến chung cư lại bị đẩy cao chót vót như ở chung cư Keangnam. Và tâm trạng của hầu hết các hộ dân đang sống trong các khu chung cư chờ đợi đến thời hạn nộp phí của tháng 10, khi đó, mới có thể ngã ngũ câu chuyện phí dịch vụ vốn đã tốn nhiều giấy mực của báo chí.


Hà Nội: Yêu cầu tổng rà soát phí dịch vụ chung cư

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các quận, huyện, chủ đầu tư vận hành nhà chung cư trên toàn TP Hà Nội rà soát phí dịch vụ chung cư đã thu của các hộ dân. Theo đó, chủ đầu tư phải thông báo công khai, minh bạch việc sử dụng các khoản phí dịch vụ đã thu, đồng thời phải tổng hợp ý kiến của nhân dân trong quản lí dịch vụ chung cư để gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND thành phố. Ngoài ra, UBND các quận, huyện chủ động giải quyết tranh chấp về giá dịch vụ nhà chung cư giữa chủ đầu tư vận hành nhà chung cư và các hộ dân.


UBND TP Hà Nội đã chính thức ban hành mức phí trần dịch vụ chung cư trên địa bàn cao nhất là 4.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng với chung cư không có thang máy. Tuy nhiên, mức phí này mới chỉ áp dụng tạm thời trong 1 năm kể từ ngày có hiệu lực. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, với mức phí đó nếu áp dụng có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng, ngược lại sẽ tiếp tục có điều chỉnh.

PV


Theo Ngọc Yến (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.