03/06/2015 9:03 PM
Đại diện nhiều ngân hàng cho hay, trong những tháng đầu năm, tín dụng cải thiện một phần nhờ bất động sản ấm dần lên. Song cùng với đó có cả e ngại “hiện tượng bong bóng” tín dụng vào các năm 2008-2009 quay trở lại. Liệu nỗi lo này có cơ sở thực tế?

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong 4 tháng qua, tín dụng của Ngân hàng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ cho cá nhân vay mua nhà. Một lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, khối khách hàng cá nhân chiếm khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng (cũng tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái).Theo thống kê của ACB, các khoản vay của khách hàng cá nhân để mua nhà ở được giới hạn ở mức 800 triệu đồng, nên khó có thể chảy vào đối tượng đầu cơ. ACB cũng chỉ tập trung cho vay vốn đối với khách hàng cá nhân mua nhà, hạn chế việc cấp vốn tín dụng cho việc đầu cơ, kinh doanh bất động sản nhằm có thể hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.

Mức lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng được xem là phù hợp để vay mua nhà. Ảnh: Đức Thanh

Trong những năm gần đây, HDBank được xem là ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi cho cả cá nhân mua nhà lẫn chủ đầu tư nhằm hỗ trợ tín dụng cho khách hàng vay mua nhà ở. Mới đây, theo thỏa thuận hợp tác với Công ty G5, HDBank dành tối đa 1.000 tỷ đồng tài trợ các dự án xây dựng nhà, đất do Công ty G5 quản lý và làm chủ đầu tư. HDBank hỗ trợ cho vay đối với các khách hàng mua căn hộ, nhà trong các dự án do Công ty G5 phân phối, với nhiều chương trình ưu đãi như gói “Vay tiền phát lộc” với lãi suất chỉ từ 6,8%/năm.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, chủ trương của HDBank là tiếp tục đẩy mạnh mảng cho vay mua nhà.

Lãi suất vốn cho vay mua nhà hiện được các ngân hàng áp dụng ở mức tương đối phù hợp. Ví dụ, tại ACB chỉ dao động 9-10%/năm. Thậm chí, trong 1-2 năm đầu, ACB còn ưu đãi mức lãi suất 8%/năm cố định trong thời gian trên, nên khách hàng có thể xem xét, tiếp cận khoản vay với lãi suất phù hợp để sở hữu căn hộ hoặc nhà, đất.

Đáng chú ý hơn là, một số ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian 2-3 năm để khuyến khích hàng vay vốn mua nhà, đất khi lãi suất giảm.

Ông Rahn Wood, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ dần ổn định và khó có thể giảm nhiều so với hiện nay. Vì thế, mức lãi suất hiện tại được xem là phù hợp để vay mua nhà.

“Đó cũng chính là lý do VIB đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, với lãi suất 8,16%/năm cố định trong 30 tháng đầu. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, VIB đã giải ngân gần hết gói tín dụng trên và tiếp tục đưa ra thêm khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Rahn Wood nói.

Thế nhưng, xu hướng tín dụng bất động sản của các ngân hàng tăng nhanh cũng khiến cho không ít người cảnh báo tình trạng “bong bóng” bất động sản, đã từng xảy ra trong các năm 2008 -2009, khi các ngân hàng mạnh tay đẩy vốn vào thị trường nhà, đất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính -ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay vốn mua nhà với lãi suất hợp lý sẽ tác động tích cực đến phân khúc chung cư có mức giá phù hợp và nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Còn với phân khúc nhà ở cao cấp vẫn khá chậm, khó có thể bán trong lúc thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, dù các ngân hàng mạnh tay đẩy vốn cho vay, song dư nợ đối với tín dụng bất động sản cũng khó tăng đột biến. Vả lại, hiện tại, việc kiểm soát chất lượng khoản vay và nợ xấu luôn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, nên khó có hiện tượng đẩy vốn một cách ồ ạt.

“Song, tình trạng “bong bóng” tín dụng bất động sản vẫn có thể xảy ra trong tương lai, nếu ngân hàng lại cho vay quá ồ ạt như đã từng xảy ra vào thời kỳ 2005-2010. Vì thế, việc đẩy vốn vào bất động sản phải có sự kiểm soát chặt chất lượng cho vay, vì rủi ro đối với lĩnh vực này luôn tiềm ẩn lớn. Các ngân hàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế và chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ để lường trước những rủi ro trong việc cho vay bất động sản”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trước tình hình ấm lên của thị trường bất động sản thời gian qua là điều kiện tốt để xử lý nợ xấu, nhưng nếu nhìn vào thực tế, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn; hàng tồn kho nhiều, nhất là với phân khúc giá cao.

“Do vậy, cùng với quá trình đẩy vốn cho vay lĩnh vực nhà, đất, các ngân hàng phải kiểm soát được rủi ro cũng như chứng minh được nguồn trả nợ của khách hàng. Đó cũng là lý do vì sao gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang được giải ngân khá chậm, bởi theo các ngân hàng, với người thu nhập thấp, khả năng để trả nợ là không dễ”, ông Nghĩa phân tích.

Thùy Vinh (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.