26/12/2011 2:29 AM
CafeLand – Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Vậy làm cách nào để giải cứu được thị trường bất động sản, nhất là khi nhiều kênh vốn cho thị trường này đang dần thu hẹp lại?
Cơ cấu danh mục đầu tư cứu bất động sản
Giải quyết bài toán thiếu vốn cho bất động sản là câu chuyện trung tâm của năm 2011. Ảnh: Minh Nguyệt

Những năm trước đây, khi thị trường bất động sản còn ở đỉnh cao, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã chạy đua theo thị trường để đầu tư dự án trong khi vốn tự có rất ít. Đến khi thị trường rơi vào khủng hoảng, đầu ra bị tắt nghẽn, kiểu làm ăn này không còn “hoàng kim” như trước đây. Các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu vốn trầm trọng, lại chịu thêm áp lực lãi suất.

Theo các nhà đầu tư, trung bình một dự án bất động sản có khoảng 10 - 30% vốn doanh nghiệp tự có, phần còn lại chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và huy động vốn. Song, nguồn vốn này đã bị thắt chặt, các ngân hàng gần như quay lưng lại với tín dụng bất động sản theo chủ trương thắt chặt tiền tệ. Trong khi nguồn vốn trong dân cũng không mấy khả quan khi mà dòng tiền nhàn rỗi trong dân cũng quay sang đầu tư gửi tiết kiệm hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn khác. Kết quả là nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án bất động sản rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội”.

Trước sức ép đó, nhiều doanh nghiệp phải tìm mọi kế sách để duy trì sự sống, vượt qua cơn khó khăn. Doanh nghiệp nào có sức khỏe yếu buộc phải rời bỏ cuộc chơi, những doanh nghiệp có phần trội hơn sẽ đưa ra các kế sách như: bán giảm giá, bán phá giá, thậm chí bán lỗ,... Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, thị trường bất động sản lại phát sinh ra các mâu thuẫn như giá đã giảm nhiều so với trước đây nhưng giao dịch vẫn yếu, cuối năm thời điểm mà nhiều người chọn mua nhà nhưng vẫn trong tình trạng “bặt tăm”.

Một số khác phải tính đến phương án chuyển nhượng dự án cho các đối tác nước ngoài. Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay tại Tp.HCM đã có hơn 20 vụ chuyển nhượng, trong đó phần lớn là chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp Việt cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh.

Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn của các doanh nghiệp địa ốc hôm nay là do hậu quả của việc phát triển quá nóng ở những năm trước. Theo đó, những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản cho thấy, thị trường này sẽ còn tiếp tục trầm lắng ít nhất là đến cuối năm nay. Cụ thể, do hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, thị trường vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp địa ốc vượt qua cơn khó khăn?

Trên các diễn đàn bất động sản, nhiều ý kiến chia sẻ rằng, khai thông nguồn vốn trong dân là một trong những giải pháp hữu hiệu cho thị trường bất động sản hiện nay. Bên cạnh đó, cần tạo cho người dân niềm tin vào thị trường bất động sản bởi niềm tin này đang dần yếu đi.

Song song đó, các doanh nghiệp cần phải giải quyết được nhu cầu khơi thông nguồn vốn, giảm áp lực trả nợ bằng cách chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi đầu tư, mua bán, sáp nhập dự án,… sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước mắt. Mặt khác, các doanh nghiệp nên bắt tay vào việc tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư, cắt giảm chi phí, nhân sự, xử lý các dự án đang đình trệ do thiếu vốn.

Nhìn về lâu dài, các doanh nghiệp nên chủ động về nguồn vốn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Nên tận dụng các nguồn vốn từ kênh huy động khác thông qua phát hành các công cụ nợ, thu hút vốn trên thị trường chứng khoán, kêu gọi đầu tư, thu hút vốn từ khách hàng,…

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.