Thị trường khép lại tuần giao dịch thứ 2 của tháng 10 vẫn với xu hướng giảm và thanh khoản thấp và là tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Nhiều CTCK dự đoán, xu thế giảm điểm vẫn còn tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh chưa xuất hiện những thông tin kinh tế vĩ mô tích cực hỗ trợ.
CK tuần mới: Cơ hội phục hồi “quá mong manh”?Kết thúc tuần giao dịch từ 10/10/2011 đến 14/10/2011, trên sàn HOSE có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Nếu so với phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index mất đi 3,47 điểm (-0,83%) khi đóng cửa tuần ở mức 414,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh cả tuần đạt 133.096.130 đơn vị, giảm 18,32% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 1.969,76 tỷ đồng, giảm 25,65%.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số HNX-Index dừng lại ở mốc 69,19 điểm, giảm 2,31 điểm so với cuối tuần trước đó (-3,23%). Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 139.342.500 đơn vị, giảm 11,02% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 1.524,84 tỷ đồng, giảm 11,24%.


Trong tuần, khối ngoại tiếp tục bán ròng 8,95 tỷ đồng trên HNX, tuy nhiên đã quay lại mua ròng 71,12 tỷ đồng trên HOSE (tuần trước bán ròng 161,46 tỷ đồng). Cụ thể, họ đã mua vào 759.000 cổ phiếu trên HNX (trị giá 7,90 tỷ đồng) và bán ra 1.642.600 cổ phiếu (trị giá 16,85 tỷ đồng). Trên sàn HOSE, họ mua vào 9.519.538 cổ phiếu (trị giá 265,22 tỷ đồng) và bán ra 7.174.468 cổ phiếu (trị giá 194,11 tỷ đồng).


Nhận định của một số công ty chứng khoán


CTCK Bảo Việt (BVS): Cơ hội hồi phục ngắn hạn khá mong manh


Mặc dù trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, đà sụt giảm đã tạm thời dừng lại khi tương quan cung cầu trở lại trạng thái cân bằng, nhưng nhìn chung lực mua vẫn còn khá dè dặt ở vùng giá cao ngay cả khi một số cổ phiếu chủ chốt phát tín hiệu tăng. Như vậy, cơ hội hồi phục ngắn hạn của thị trường vẫn khá mong manh.


Mặt khác, diễn biến tích cực trên thị trường thế giới trong tuần qua không mang tính hỗ trợ nhiều cho TTCK trong nước khi nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về nguy cơ của một cuộc suy thoái kép. Hơn nữa, dù chưa đủ cơ sở để khẳng định khả năng này nhưng diễn biến thực tế của các chỉ số chính đang dần phản ánh và đã bước vào xu thế sụt giảm trung hạn.


Theo BVSC, các chỉ báo kỹ thuật tuần cho thấy khả năng có 1 nến tuần theo chiều hướng tiêu cực tuy nhiên sẽ phát triển theo chiều hướng dao động trong dải biến động nhỏ thay vì tụt giảm mạnh. Với xu thế sụt giảm chủ đạo ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường hoặc chỉ tham gia trading ngắn hạn theo xu hướng chính – bán trước khi thị trường hồi phục và mua lại sau tại các vùng giá thấp.


CPCK EuroCapital (ECC): Khả năng tiếp tục tăng giá không cao


Dấu hiệu tăng ngắn hạn xuất hiện cùng với thông tin dự báo CPI tháng 10 ở mức thấp và thông tin liên quan kết quả kinh doanh một số Công ty lớn giúp thị trường có phiên tăng điểm. Thanh khoản thấp và tiếp tục giảm thể hiện dòng tiền thị trường chưa tăng, giá chứng khoán hồi phục do bên bán giảm bớt giao dịch, không ủng hộ khả năng tăng giá kéo dài. Nhịp điều chỉnh tăng giá đã bắt đầu tiến tới vùng kháng cự và khả năng tiếp tục tăng giá không cao vì xu hướng trung hạn vẫn là xu hướng giảm. Trong trạng thái đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục tranh thủ đợt hồi phục của thị trường để bán với giá tốt hơn.


CTCK Sài Gòn (SSI): Cầu không đủ mạnh để hình thành xu hướng


Thị trường hồi nhẹ kỹ thuật hai phiên vào cuối tuần, tuy vậy khối lượng giao dịch lại giảm sút cho thấy cầu vẫn không đủ mạnh để hình thành xu hướng. Chúng tôi cho rằng bên bán sẽ dễ tăng trở lại khi khối lượng giao dịch tỏ ra yếu kém hỗ trợ xu hướng cho tuần tới. Nhà đầu tư lướt sóng để tránh rủi ro T+4 nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi xu thế tăng hình thành mới tham gia trở lại thị trường.


CTCK VNDirect (VND): Xu hướng chung vẫn đang là xu hướng xuống


Tuần thứ 6 liên tục VN-Index đóng cửa là một nến đen cho thấy khi thị trường đi xuống khá dốc và chưa có nhịp điều chỉnh nào là đáng kể. Trong những phiên giao dịch sắp tới thị trường có thể tiếp tục có những phiên xanh, nhưng xu hướng chung vẫn đang là xu hướng xuống.


Thị trường có thể sẽ có những phiên tăng điểm trong những ngày giao dịch đầu tuần sau, nhưng việc tăng điểm cần có sự xác nhận của khối lượng lớn 50-60 triệu cổ phiếu, thi một kịch bản sáng sủa hơn mới được xem xét. Các chuyên gia của VND cho rằng thị trường vẫn chưa cho những dấu hiệu cụ thể nào tích cực, nên việc mua trong những phiên tăng điểm có thể gặp phải rủi ro cao. Vì thế nhà đầu tư nên kiên nhẫn quan sát thị trường chung để có quyết định hợp lý.


CTCK Âu Việt (AVSC): Những yếu tố bất ổn vĩ mô chưa có dấu hiệu được cải thiện


Trong tuần qua ngoài việc những thông tin tích cực về mặt ngoại giao khi các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam đi thăm Trung Quốc, Ấn Độ và thủ tướng Đức thăm Việt Nam thì gần như các thông tin vĩ mô khác đều là những thông tin không mấy tích cực. Tình trạng vỡ nợ ngày càng xuất hiện nhiều, tính thanh khoản của các ngân hàng nhỏ ngày càng khó khăn khi lãi suất huy động được áp trần, nên người dân có xu hướng mang gửi tiền ở những ngân hàng lớn. Việc ngân hàng nhà nước nâng lãi suất tái cấp vốn từ 14% lên 15% cũng đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 19%-20%. Điều này cho thấy mục tiêu giảm lãi suất trong ngắn hạn ngày càng khó khăn hơn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỉ giá liên ngân hàng nhưng vẫn tồn tại chênh lệch giữa tỉ giá thị trường tự do và liên ngân hàng.


Chúng tôi cho rằng, khi những yếu tố bất ổn vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện trong ngắn hạn thì mục tiêu bảo toàn vốn của nhà đầu tư nên được đặt ưu tiên hàng đầu.


CTCK FPTS: Rủi ro vẫn cao với nhà đầu tư lướt sóng


Nhịp giảm mạnh trọng gần một tháng qua đã đưa mặt bằng giá cổ phiếu trở về mức hấp dẫn tạo điều kiện kích thích dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường. Có thể thấy, tâm lý đầu tư đã được hỗ trợ khá kịp thời bởi những thông tin mang tính tích cực và giúp thị trường tránh khỏi một đợt giảm sâu tiếp theo.


Tuy nhiên, những tín hiệu khác trên thị trường vẫn chưa cho phép lạc quan với hai phiên tăng nhẹ liên tiếp của VN-Index. Lực cầu bắt đáy có gia tăng song thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp cho thấy đa số nhà đầu tư vẫn khá thận trọng, dè dặt. Lực cầu chủ yếu tập trung ở các mã chứng khoán – bất động sản thể hiện tính đầu cơ của thị trường đang ở mức cao.


Tâm lý đầu cơ ngắn hạn trên nhóm mã chủ chốt có thể là nguyên nhân đưa thị trường tăng điểm trở lại còn nhìn chung, đà tăng xuất hiện về cuối phiên vẫn khá yếu và kém bền vững bởi giao dịch lô lớn tại nhóm mã này có xu hướng gia tăng và khá dứt khoát. Theo đó, rủi ro với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn vẫn ở mức cao. Ngoài ra, khả năng nâng đỡ thị trường tại ngưỡng hỗ trợ 410 sẽ vẫn cần phải được kiểm chứng thêm trong những phiên giao dịch tuần sau.


CTCK ACBS: Nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài thị trường


Về mặt phân tích kỹ thuật, do cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index vẫn có khả năng giảm nhẹ từ từ về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo ở mức 400 và 65, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.


CTCK Woori CBV: Đứng ngoài vẫn là lựa chọn hợp lý


Mức điều chỉnh khá sâu trong đợt giảm giá hiện tại khiến nhiều cổ phiếu về sát đáy trước đó. Điều này đã khiến thị trường về mức định giá khá hấp dẫn và một bộ phận nhà đầu tư tham gia bắt đáy khiến đà rơi của cả 2 chỉ số được hãm lại. Nếu khối lượng có tiến triển trong tuần tới có khả năng thị trường sẽ tạo đáy và phục hồi trở lại.


Về mặt kỹ thuật, sau một số tuần sụt giảm khá mạnh thì hiện tại đà rơi của VN-Index đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc bởi mức giảm trong tuần này khá thấp so với các tuần trước đó. Một dấu hiệu tích cực khác là đường giá của VN-Index đã giảm gần về mức hỗ trợ khá mạnh được vẽ qua 3 đáy thấp nhất kể từ 24/2/2009 đến nay, với điểm chuẩn bị tiếp xúc xoay quanh mốc 400 điểm (+/- 5 điểm). Do đó, nếu như khi giá chạm ngưỡng này và có tín hiệu bật lên kèm thanh khoản gia tăng thì có thể tham gia giải ngân trở lại. Trường hợp ngược lại đứng ngoài thị trường vẫn là một sự lựa chọn hợp lý.


CTCK Kim Eng (KEVS): Duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức cao


Mặc dù 2 sàn đều tăng điểm phiên cuối tuần nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn là giảm do đó chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về thị trường và khuyến nghị khách hàng không nên tham gia khi chưa có tín hiệu rõ ràng.


Xét về phân tích kỹ thuật, sự tăng điểm của VN-Index trong hai phiên qua là điều cần ghi nhận, nhưng là quá sớm để nói xu hướng giảm đã kết thúc. VN-Index cần ít nhất một sự gia tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản để vượt qua khỏi kháng cự 423,8 điểm nhằm tạo ra một đỉnh liền sau cao hơn để thay đổi tình hình. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị quý khách hàng duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức cao trong danh mục đầu tư. Trên đồ thị kỹ thuật của HNX-Index vẫn chưa có điểm mua mới nào, chúng tôi duy trì khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng, hạn chế giải ngân mạnh trong giai đoạn hiện tại.

Theo Quang Sơn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland