Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, trả lời câu hỏi qua email của các cổ đông, CII cho biết, doanh thu bình quân một ngày của các dự án BOT mà công ty đang khai thác (bao gồm cả dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) đạt khoảng 6,37 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương khoảng 2.325 tỷ đồng/năm.
Theo ước tính hiện tại của công ty, dự kiến sau khi các dự án BOT đã hoàn thành việc khai thác hoàn vốn và được chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tổng doanh thu thu được của các dự án sẽ đạt khoảng 65.281 tỷ đồng.
CII cho biết, số tiền nói trên được ưu tiên sử dụng như sau: Thực hiện các khoản nộp ngân sách nhà nước như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; Duy tu, sửa chữa các tuyến đường thuộc dự án BOT nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt; Chi trả các khoản chi phí quản lý phải thu; Trả lãi ngân hàng; Hoàn trả nợ gốc cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng; Hoàn vốn cho CII và các bên tham gia đầu tư (nếu có).
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ phải trả các tổ chức tín dụng tại các doanh nghiệp dự án BOT là khoảng 11.567 tỷ đồng (bao gồm khoản nợ 4.781 tỷ đồng tại dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận).
“Với dòng tiền thu phí ổn định, đều đặn và tăng trưởng qua mỗi năm có thể thấy việc thanh toán các khoản nợ đến hạn cho các bên tài trợ cũng như việc thu hồi vốn đầu tư cho các dự án BOT là hoàn toàn khả thi”, CII khẳng định.
CII cũng cho biết, theo các hợp đồng BOT đã ký kết, lãi suất được tính cho lãi suất dự án là lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp đang vay của các tổ chức tín dụng. Việc biến động lãi suất tăng giảm đều không ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án BOT, theo CII.
Trước đó, theo nhận định của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đóng góp lần lượt 23% và 38% vào doanh thu mảng thu phí năm 2022 và 2023 của CII.
VCSC kỳ vọng dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ củng cố tình hình tài chính trung hạn của CII với dòng tiền ròng trung bình hàng năm từ dự án là khoảng 850 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.
Tuy nhiên, VCSC lưu ý ngày bắt đầu thu phí đã chậm hơn so với thời gian dự kiến tháng 5/2022, do đó doanh thu mảng thu phí năm 2022 của doanh nghiệp có thể giảm còn 1.100 tỷ đồng.
Bên cạnh mảng BOT, các dự án bất động sản nhà ở của CII tại TP.HCM cũng là động lực thúc đẩy lợi nhuận của CII trong trung hạn do các thủ tục pháp lý dự kiến sẽ tăng tốc.
Dự án bất động sản lớn bị trì hoãn do tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý chậm có thể kéo việc ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần của CII tại dự án Riverpark giai đoạn 2 (TP Thủ Đức, TP HCM) đến năm 2025 - 2026. Ban lãnh đạo CII cũng chia sẻ rằng các vướng mắc thủ tục pháp lý vẫn còn và việc giải quyết phụ thuộc nhiều vào quyết định của chính quyền địa phương và Chính phủ.
Trong năm nay, VCSC dự báo CII sẽ đạt doanh thu 6.519 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt 796 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 332 tỷ đồng. Lợi nhuận trong năm 2022 của CII chủ yếu đến từ khoản lãi tài chính 776 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) trong quý I/2022.
-
Đến lượt CII dự chi 2.800 tỉ đồng trả nợ gốc trái phiếu trước hạn
Sau khi một số doanh nghiệp công bố tất toán sớm trái phiếu, CII dự kiến từ đầu tháng 7/2022-2/2023, sẽ thanh toán 2.800 tỉ đồng nợ gốc trái phiếu dù một số trái phiếu chưa đến hạn.