18/10/2011 2:45 PM
Gần đây, có hai việc liên quan đến vai trò của các chủ đầu tư của dự án đầu tư công: Trong chuyến công tác làm việc với địa phương và kiểm tra công trường, trước tình hình tiến độ dự án trì trệ mà theo báo cáo của chủ đầu tư chủ yếu do năng lực hạn chế của nhà thầu, Bộ trưởng GTVT đã có cách xử lý khác với thông lệ trước đây.

Trong đó, xác định trách nhiệm trước hết là thuộc chủ đầu tư (bao gồm ban quản lý dự án): Nhà thầu do chủ đầu tư lựa chọn, nhà thầu làm ăn không đúng cam kết thì thay, nhưng phải chấn chỉnh ngay vai trò điều hành của chủ đầu tư và ban quản lý dự án.


Điều này được thể hiện qua ý kiến chỉ đạo, buộc ban quản lý dự án phải thật sự vào cuộc đẩy bằng được tiến độ thi công một gói thầu chậm trễ nhất trên QL18 (Quảng Ninh) và quyết định tại chỗ cử tổng chỉ huy toàn quyền (trùm lên ban quản lý dự án) ở dự án nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.


Còn tại Hội thảo về sửa đổi Luật Đấu thầu, nhiều nhà thầu lên tiếng về sự thiếu bình đẳng trong mối quan hệ chủ đầu tư- nhà thầu, nhất là trong khâu thanh toán. Trong thực tế, nhà thầu rất bức xúc, song vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để giữ mối quan hệ với chủ đầu tư, với hy vọng có được những công trình tiếp sau.


Có ý kiến đề xuất: cần bổ sung quy định bắt buộc chủ đầu tư cũng phải có ngân hàng bảo lãnh vốn như đã quy định đối với nhà thầu, để tránh tình trạng thi công giữa chừng dự án cạn vốn, khối lượng đã hoàn thành không có tiền thanh toán, công nhân và máy móc nằm dài chờ vốn bổ sung, rơi vào tình cảnh “đi thì cũng dở ở không xong”... Không phải đến bây giờ, trước đây đã có Tổng Giám đốc một Cienco dũng cảm đề nghị: Các ban quản lý dự án muốn nhận dự án phải thông qua đấu thầu, không thể có chuyện ban quản lý dự án trình độ “phọt phẹt” hoặc ở năng lực hạn chế lại được giao quản lý, điều hành những dự án phức tạp và quy mô lớn, gây tổn thất cho nhà nước, làm khó các nhà thầu.


Ai cũng biết, trong điều kiện cơ chế và bối cảnh xã hội hiện nay, chủ đầu tư và ban quản lý dự án cũng có cái khó riêng của mình. Song nếu cứ kéo dài tình trạng “ông chủ hờ” theo kiểu cố gắng làm cho “hợp thức”, còn phát sinh và tốn kém thì đã có nhà nước chịu, vô cùng nguy hiểm. Về nguyên tắc, quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm.


Trách nhiệm đó cần thể hiện trên nhiều mặt: Phải biết cách khéo léo từ chối sự “gửi gắm” của ai đó, dù là cấp trên, để tránh đưa nhà thầu kém năng lực vào công trường. Không để các nhà thầu “chạy cửa sau” vận động trúng thầu hoặc đề nghị nghiệm thu những hạng mục chưa đạt chất lượng hoặc có phần mập mờ về khối lượng. Đặc biệt là phải đổi mới cách điều hành dự án cho khoa học, nâng năng lực và phẩm chất cán bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà thầu thực hiện các yêu cầu về chất lượng và tiến độ, đưa công trình vào sử dụng đúng thời hạn, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư.


Được biết để khắc phục tình trạng trên, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã có nghị quyết chuyển đổi các Ban QLDA thành các Công ty tư vấn quản lý dự án và phải đấu thầu để được nhận quản lý dự án.

Theo Quang Tuấn (Báo GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.