Khó khăn kéo dài đang đặt doanh nghiệp bất động sản phía Nam vào thế buộc phải chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, nhu cầu nhận chuyển nhượng lại không nhiều.
Nhu cầu chuyển nhượng dự án tăng cao

Một trong những thương vụ chuyển nhượng dự án địa ốc thành công tại TP.HCM thời gian gần đây là Tập đoàn Đất Xanh nhận chuyển nhượng từ Tập đoàn 5 Sao 1 dự án hơn 20 ha tại huyện Thủ Thừa (Long An). Không tiết lộ mức giá chuyển nhượng, nhưng ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HđQT Tập đoàn Đất Xanh cho biết, sau khi mua lại, Đất Xanh đã đầu tư hạ tầng xây dựng khu đất này thành dự án khu dân cư với quy mô hơn 600 nền nhà phố và sẽ chính thức chào bán vào cuối tháng 5 này.

“Đây là dự án rất thuận lợi về giao thông, phù hợp với nhu cầu nhà ở của người dân bản địa và cả người làm việc ở TP.HCM mua để an cư. Do vậy, khả năng thu hồi vốn từ dự án này rất nhanh”, ông Lương Trí Thìn nhận định và cho biết, đây không phải là thương vụ mua dự án đầu tiên của Đất Xanh.

Trước đó, nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án khác tại TP.HCM cũng đã diễn ra. Đơn cử, Công ty cổ phần Chương Dương đang đàm phán với đối tác nước ngoài để thực hiện việc chuyển nhượng Dự án Golden Land (quận Thủ Đức; Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng chuyển nhượng cho một đối tác dự án tại Bình Tân với giá trị hơn 150 tỷ đồng…

Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Việt Nam cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là thời gian gần đây, tuần nào, ông cũng nhận được nhiều lời chào mời của các doanh nghiệp cùng ngành đặt vấn đề chuyển nhượng dư án. Tuy nhiên, do không có nhu cầu, nên ông đã từ chối.

Mất cân đối về cung cầu chuyển nhượng dự án

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia địa ốc khẳng định, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp địa ốc và thực trạng về nhu cầu chuyển nhượng dự án của các doanh nghiệp ngày một nhiều. Một “đại gia” trong lĩnh vực địa ốc cho biết, doanh nghiệp của ông đã từng thu lợi rất nhiều nhờ tận dụng thời điểm khó khăn để gom đất và bán ra lúc thị trường phục hồi. Vậy, đây có phải là lúc để các đại gia thâu tóm dự án?

“Trong khi nhu cầu chuyển nhượng rất nhiều, nhưng nhu cầu nhận chuyển nhượng không cao, vì doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để mua lại dự án trong thời điểm này không nhiều”, ông Thành nhận định và cho rằng, ngoài khó khăn chung, việc mua lại dự án lúc này chưa chắc đã hiệu quả.

“Tiền mua đất chỉ chiếm 25 - 30% trong tổng chi phí dự án, trong khi đó chi phí đầu tư là rất lớn, đầu ra sản phẩm lại gặp khó khăn…, nên việc mua dự án lúc này chưa chắc đã mang lại lợi nhuận”, ông Thành phân tích và cho rằng, thị trường bất động sản phía Nam đang có sự mất cân đối cung - cầu trong lĩnh vực chuyển nhượng dự án, do vậy, khó có làn sóng thâu tóm dự án bất động sản tại khu vực này.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland