Điều kiện kinh tế có hạn, nhiều người nhất là người ngoại tỉnh cố gắng tích góp mua được một căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống ở thành phố. Nhưng những khu nhà ở tập thể kiểu mới này cũng không ít bất tiện khiến người ta phải thốt lên: "mệt mỏi”!
Chung cư thời hiện đại vẫn phải xếp hàng lấy nước
Bức xúc mang tên "Rác”
Chuyện không mới và xảy ra ở hầu hết các khu chung cư đó là ý thức của một bộ phận người dân rất kém khi vô tư xả rác ra hành lang, thang máy, sân chơi chung… Dĩ nhiên, khu nào cũng có người dọn vệ sinh riêng nhưng "1 người làm, 5 người phá” thì khó mà xử lý xuể. Chị T., một người làm công việc dọn vệ sinh ở KĐT Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) cho hay, một tháng chị chỉ được nghỉ 2 ngày. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ kết thúc, nhưng chẳng mấy hôm về trước 18 giờ vì "làm mãi vẫn không hết việc”. Hành lang vừa lau sạch bóng, thang máy vừa cọ rửa thơm phức mùi xà phòng ban sáng, thế mà chỉ đầu giờ chiều quay lại đã đầy rẫy bã kẹo cao su, vỏ bim bim, que kem… Thậm chí cả thìa cháo còn nguyên thịt, rau do trẻ nôn ra không được dọn bốc mùi trong thang máy kín mít!
Nhiều người tranh thủ tập thể dục bằng cách đi cầu thang bộ thay vì thang máy ở nhà A1D1 KĐT Đặng Xá đã có thời gian phải từ bỏ thói quen này, vì sự bốc mùi của nhà vệ sinh công cộng ở tầng 1. "Cha chung không ai khóc” nên mọi người cứ thoải mái "xả ra”. Chỉ khổ cho những nhà ở tầng thấp, sát với nhà vệ sinh này mỗi lần có cơn gió thổi qua là lại một lần nín thở… Tuy tình trạng này trước mắt đã được giải quyết nhưng nỗi lo của những người ở những phòng sát ngay phía trên vẫn luôn thường trực.
Ngay trước cửa sân chung cư nhà A1D1, KĐT Đặng Xá vốn là chỗ vui chơi của con trẻ nhưng không ít khi mọi người phải nhăn mặt, bịt mũi vì mùi cống rãnh, mùi nhà chứa rác bốc ra mỗi khi có cơn gió đưa tới. Tuy đã có quy định phải xả rác ở đâu, với quy cách được hướng dẫn cẩn thận như rác phải cho vào bao ni lông buộc chặt, không đổ đất đá, đồ dễ cháy nổ vào cửa xả rác… nhưng không phải nhà nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt điều này. Chẳng thế mà khi mở cửa xả rác, nhiều người phải nhăn mặt vì những thứ nhà hàng xóm ngay kế bên mình vừa thải ra vẫn đang nằm chễm chệ ở đó…
Dắt cả xe máy lên phòng thay vì gửi ở nhà để xe
Những chuyện không giống ai
Ở một toà chung cư khoảng mươi tầng thôi cũng có đến hàng trăm phòng, nhân lên là vài trăm người già trẻ, lớn bé cùng sinh sống. Ra đụng vào chạm đã đành, ngay cả việc nói to, cười to một chút cũng có thể ảnh hưởng đến nhà hàng xóm nên càng cần mỗi người có ý thức hơn để giữ gìn không gian, môi trường sống chung. Không thể hồn nhiên như ở nhà mặt đất biệt lập là chuyện ai cũng hiểu nhưng không phải ai cũng làm được. Như chuyện nuôi chó ở ban công nhà mình, tuy nhìn qua có vẻ không ảnh hưởng đến ai nhưng trên thực tế, chú chó to của nhà anh Gi ở KĐT Sài Đồng thường xuyên sủa inh ỏi kể cả vào ban đêm khiến hàng xóm phải phàn nàn. Đấy là chưa kể những nguy cơ xảy ra với con trẻ vì chẳng bao giờ con chó được đeo rọ mõm trong khi ngày nào cũng được thả ra ngoài vài tiếng!
Không biết có phải để tiết kiệm chi phí gửi xe hay vì lý do nào khác, một cư dân ở KĐT Đặng Xá đã "sáng kiến” ra việc đưa xe máy lên phòng. Vậy là mỗi sáng và mỗi chiều, anh lại một người, một xe, một thang máy đi xuống và đi lên trước ánh mắt ngạc nhiên của bao người. Muốn cho không gian gia đình thêm xanh mát mà nhiều gia đình ở chung cư hiện nay trồng các chậu cây cảnh nhỏ ở ban công. Nhưng tai hại nếu những chậu cây này rơi vỡ từ trên cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người đi lại ở bên dưới. Ban quản lý nhiều khu chung cư đã dán những cảnh báo về tình trạng này để nhắc nhở, nhưng dường như vẫn chưa nhiều người chú ý…
Mỗi chung cư là một xã hội thu nhỏ với đủ loại người, đủ mọi câu chuyện phức tạp của đời sống. Chỉ một việc rất nhỏ như nhiều người vẫn để giỏ rác nhà mình rồi xe đạp, ô tô điện, xe đẩy, xe lắc… của con trẻ ở hành lang với lý do rất vô tư là "tôi để đồ trước cửa nhà tôi, chẳng ảnh hưởng đến ai”. Họ cố tình quên mất rằng đó là không gian sinh hoạt chung của cả tầng chứ không phải của riêng một nhà nào. Tất nhiên, cũng cần những biện pháp xử phạt của ban quản lý chung cư để chấn chỉnh lại trật tự, nhưng trên hết vẫn là ý thức của người dân.
Khương Duy (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.