12/10/2020 1:42 PM
“Sinh sau đẻ muộn” song Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban Tỉnh) đã kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, đã triển khai nhiều dự án (DA) trọng điểm được các Bộ ngành trung ương, UBND tỉnh đánh giá cao và tiếp tục tin tưởng giao tiếp các DA có tổng mức đầu tư (TMĐT) hàng nghìn tỷ đồng.

Người dân Cư M’gar vui mừng khi đường trải nhựa kiên cố

Người dân Cư M’gar vui mừng khi đường trải nhựa kiên cố

Tiên phong kiện toàn bộ máy chuyên nghiệp

Ban Tỉnh được thành lập vào tháng 8/2017, là tổ chức sự nghiệp công lập đặc thù trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk, hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính. Chính cơ chế này khiến cho nhiều ban quản lý khác phải co mình lại, không dám lớn. Riêng Ban Tỉnh đã tiên phong xây dựng bộ máy tổ chức có đầy đủ các phòng ban chuyên môn theo quy định pháp luật gồm 1 Giám đốc, 3 Phó Giám đốc và 7 phòng chuyên môn (Văn phòng; Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Phòng Tài chính - Kế toán; Phòng Kỹ thuật - Thẩm định; Phòng Điều hành dự án giao thông; Phòng Điều hành dự án nông nghiệp; Phòng Đền bù - Giải phóng mặt bằng). Mỗi phòng ban đảm nhiệm một công việc độc lập song vẫn có sự liên kết, hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt từ lúc “thai nghén” đến khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Chuyên nghiệp để 'săn' những công trình trọng điểm - ảnh 1

Một đoạn đường thuộc tuyến đường tránh Buôn Hồ (Đắk Lắk)

Nhờ bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, Ban Tỉnh được các Bộ, ngành trung ương, và địa phương giao thực hiện nhiều công trình trọng điểm có TMĐT từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Một trong những DA thu hút sự quan tâm là hồ chứa nước Krông Pách Thượng. DA này được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt đầu tư năm 2009 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2019 với TMĐT hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những DA lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên từ khi phê duyệt đến năm 2017, DA này gần như “dậm chân tại chỗ” do vướng rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Trước tình hình đó, Ban Tỉnh được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ tiếp quản, làm chủ đầu tư Hợp phần bồi thường GPMB, di dân và tái định cư; Xây dựng kênh chính Bắc và các hệ thống kênh nội đồng với TMĐT hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Đặc thù là Ban quản lý dự án, tuy nhiên với sự linh động, nhạy bén, Ban Tỉnh đã nhận nhiệm vụ chính trị này cùng quyết tâm đưa DA về đích đúng tiến độ. Để “gỡ nút thắt” GPMB, Ban Tỉnh đã thành lập Phòng Đền bù- GPMB để “xắn tay” cùng với chính quyền 3 huyện Ea Kar, M’đrắk và Krông Bông (vùng dự án Krông Pách Thượng) thực hiện kiểm đếm, lên phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB. Chưa hết, Ban Tỉnh còn “gõ cửa” nhiều ban ngành khác nhau cùng tháo gỡ vướng mắc xác định nguồn gốc đất đai. Với sự năng động, quyết liệt trên, hiện Ban Tỉnh đã cơ bản hoàn thành phần GPMB, bàn giao đúng tiến độ cho đơn vị thi công. Hiện Ban Tỉnh đang thực hiện các phần việc tiếp theo để hồ chứa nước Krông Pách Thượng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đạt được mục tiêu đề ra: Cung cấp nước tưới cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 73.000 người trong vùng dự án; Cắt giảm lũ, phòng chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản...

Ban Tỉnh hiện được giao làm chủ đầu tư 38 DA đầu tư công của tất cả các nguồn vốn với tổng mức vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng (Gồm 29 DA đang triển khai bước thực hiện dự án; 5 DA thực hiện bước chuẩn bị đầu tư; 2 DA do Bộ, ngành trung ương quyết định đầu tư; 1 DA sử dụng vốn ODA; 1 DA đã thực hiện xong chờ quyết toán.

Niềm tin, uy tín đến từ chất lượng

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban Tỉnh cho biết, hồ chứa nước Krông Pách Thượng là DA điển hình, chứng minh năng lực đồng thời thể hiện trách nhiệm của ban trước Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk. Để có được những kết quả đó, trước tiên nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bởi khi nhận DA này, Ban Tỉnh đã biết những khó khăn nên kịp thời báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Và ngay lập tức, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với Ban Tỉnh tháo gỡ những vướng mắc của DA. Đặc biệt, lần đầu tiên đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tổ công tác GPMB. Tiếp đến là nhờ bộ máy tổ chức của Ban Tỉnh chuyên nghiệp, với đầy đủ chức năng nhiệm vụ theo đúng quy định pháp luật; Đội ngũ cán bộ, nhân viên với hơn 100 người được đào tạo bài bản, đa số đã có kinh nghiệm; Cuối cùng, Ban Tỉnh bám chắc các thông tư, quy định của Nhà nước để khi được giao DA sẽ chủ động triển khai đồng bộ, chất lượng.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu thi công, Ban Tỉnh thực hiện công khai, đúng luật để chọn ra đơn vị đủ năng lực. Quá trình thi công, Ban Tỉnh luôn giám sát, thường xuyên kiểm tra, xử lý vướng mắc ngay trên công trường, trừ những việc vượt quá thẩm quyền thì báo cấp trên tháo gỡ; Huy động nhân lực (làm cả ngày nghỉ, lễ...) để kịp tiến độ công trình nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Do đó, ngoài hồ chứa nước Krông Pách Thượng, Bộ NN&PTNT còn giao Ban Tỉnh làm chủ đầu tư một số DA khác: Hệ thống dẫn nước tưới hồ Ea H’leo 1; Hệ thống kênh Ia Mơr (giai đoạn 2).

Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Ban Tỉnh chuẩn bị triển khai DA đường Hồ Chí Minh (HCM) đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột với TMĐT 1.512 tỷ đồng nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Đắk Lắk; Tạo đầu mối giao lưu KT-XH-VH giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và cửa ngõ giao lưu hợp tác trong khu vực Việt Nam–Lào– Campuchia... Trước đó, Bộ này đã giao Ban Tỉnh tổ chức quản lý DA đối với các DA như: DA xây dựng đường HCM đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ; Hợp phần Cầu- DA Xây dựng cầu dân sinh và tài sản đường địa phương (LRAMP) tại Đắk Lắk...

Chuyên nghiệp để 'săn' những công trình trọng điểm - ảnh 2

Một góc Hồ chứa nước Krông Pách Thượng

Bên cạnh đó, Ban Tỉnh còn được UBND tỉnh Đắk Lắk giao làm chủ đầu tư, quản lý DA các DA lĩnh vực giao thông, nông nghiệp có TMĐT từ 15 tỷ đồng trở lên, nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA như: Hồ chứa nước Yên Ngựa; Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana; Nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng cạn tỉnh Đắk Lắk-WEIDAP/ADB8; DA cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đường kết nối Tỉnh lộ 8 với Quốc lộ 29; Các DA sắp xếp, ổn định dân di cư tự do; Các cây cầu dân sinh... Với bộ máy tổ chức chuyên nghiệp cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên say nghề, tâm huyết, Ban Tỉnh hy vọng trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 tiếp tục được Bộ ngành trung ương, địa phương giao thêm nhiều công trình trọng điểm, góp phần củng cố, kiện toàn cơ sở hạ tầng cho tỉnh Đắk Lắk.

Để Đắk Lắk sớm trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên cần đầu tư những tuyến đường kết nối: Đắk Lắk- Gia Lai- Lâm Đồng- Phú Yên..., đặc biệt là cao tốc Đắk Lắk- Nha Trang. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi cũng cần được hoàn thiện, xây dựng các hồ chứa nước quy mô, tạo điều kiện cho những vùng bị hạn nặng (Buôn Đôn, Ea Súp) phát triển kinh tế, ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban Tỉnh thông tin.
Phương Khánh (TPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.