Khoảng 30% doanh nghiệp khi được hỏi đều cho biết đang gặp khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai - Ảnh Thoa Nguyễn
Nếu quan tâm đến 20 hay 30% số người dân muốn được đền bù cao hơn thực tế thì sẽ mãi không giải quyết được các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
Ý kiến trên được giáo sư Đặng Hùng Võ đặt ra tại buổi hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi diễn ra tại Hà Nội ngày 9-10. Dự kiến, dự thảo sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2012.
Tại buổi hội thảo, hầu hết các đại biểu tham dự đều nhất trí hai yếu tố nóng nhất liên quan vấn đề đất đai hiện tại chính là định giá đất và những khiếu kiện liên quan đến đất đai. Sau khi có Luật Đất đai năm 2003, số khiếu nại và tố cáo về đất đai càng tăng, và con số luôn ở trên 70% trong tổng số đơn khiếu kiện từ các địa phương.
“Nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng này là chúng ta đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thu hồi đất. Luật đất đai hiện hành đã cho phép sử dụng quá giới hạn biện pháp thu hồi đất bằng quyết định hành chính”, luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam nhận xét.
Ngoài ra, ông Tiền còn cho rằng, phân cấp quản lý về đất đai quá rộng dẫn đến có quá nhiều người có quyền giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Điều đó đã dẫn đến hậu quả là mặc dù trên lý thuyết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, đất đai đang thuộc “sở hữu” của một nhóm lợi ích.
Theo đánh giá của ông Đặng Hùng Võ, hướng của dự thảo luật lần này vẫn chưa trúng với những vấn đề mà thực tế đang đòi hỏi. Nếu tiếp tục đi theo hướng của dự thảo thì vẫn sẽ tồn tại nạn tham nhũng và không thể giải quyết được khiếu kiện trong dân. Bởi trên thực tế, Luật Đất đai hiện nay đang thực hiện 3 cơ chế thu hồi đó là nhà nước thu hồi theo dự án; thu hồi theo quy hoạch; thu hồi theo thỏa thuận.
Nhưng hiện nay, thực tế chúng ta chỉ chú trọng đến cơ chế thu hồi đất theo dự án mà hai cơ chế còn lại vẫn rất ít được áp dụng, ông Võ cho hay.
Chính vì thế, ông Võ đề xuất, việc thoả thuận giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng nguyên tắc đồng thuận cộng đồng theo nguyên tắc tối thiểu bằng hai phần ba sự đồng thuận của cư dân. Bởi theo ông Võ, cơ chế này sẽ đẩy mạnh tính tự thoả thuận của người dân khu vực có đất bị thu hồi.
Cũng liên quan đến vấn đề định giá đất, ông Võ cho rằng, nên bỏ bảng giá đất của Nhà nước. Bởi hàng năm, các tỉnh thành phố đều công bố bảng giá đất ở địa phương mình, làm căn cứ tham chiếu cho các giao dịch liên quan tới đất đai trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng trong vấn đề xác định giá, Nhà nước nên giữ vai trò là người xây dựng cơ chế chính sách giá, điều tiết hướng dẫn, thanh - kiểm tra… Nhà nước nên xã hội hoá để các công ty thẩm định giá độc lập thực hiện thay vì giữ vai trò thực hiện thẩm định giá trên thị trường như hiện tại. Điều đó theo ông Tuấn mới phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc Nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đánh giá về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng ban soạn thảo chưa đưa ra được giải pháp mang tính thực sự thay đổi cho bộ luật mới. Chính vì vậy, để tránh lãng phí trong sử dụng đất, ông Liêm đề xuất nên tiến tới xóa bỏ cơ chế bao cấp tiền sử dụng đất.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí, để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, các cơ quan chức năng phải làm rõ được cơ chế thu hồi đất và định giá đất khi đền bù theo hướng sát thực tế.
“Trong 10.000 doanh nghiệp được khảo sát, có tới 30% cho rằng họ đang gặp phải những khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai. Giá đất quá cao cộng với việc thiếu ổn định về chính sách là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quy mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói tại hội thảo. |