Theo đó, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA). Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo quy định về thuế, tiền trả lãi vay được tính vào chi phí khấu trừ thuế. Chính vì vậy, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) có thể nâng chi phí lãi vay bằng haicách.
Một là thông qua các khoản vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con. Theo đó, công ty mẹ cho công ty con hoạt động ở nước ngoài vay những khoản vay lớn với lãi suất cao trên sổ sách.
Cách thứ hai là, công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở quốc gia đó chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo. Công ty con ở quốc gia này báo cáo không có tiền lấy hàng, công ty mẹ cho trả chậm và tính lãi trả chậm. Phần lợi nhuận thực có được thông qua trả lãi vay có thể được chuyển ra nước ngoài cho công ty mẹ.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Nghị định 20 vẫn gây ra nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện, cơ sở đưa ra ngưỡng lãi vay 20% và đối tượng áp dụng.
Tại Việt Nam, Nghị định 20 đã áp dụng thông lệ BEPS (các hành vi xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận). Cụ thể, theo Điều 8 Khoản 3 với quy định tỷ lệ giới hạn chi phí lãi vay cho tất cả các đối tượng nhưng với mức tỷ lệ là 20%; hình thức áp dụng bổ sung, thay thế bằng chỉ số chi phí lãi từ bên thứ 3/EBITDA không được áp dụng.
Ông Lực cho rằng, Nghị định 20 là bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như thể hiện trách nhiệm quốc gia trong mục tiêu góp phần chống lại xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu; góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.
“Tuy nhiên, Nghị định 20 vẫn gây ra nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện, cơ sở đưa ra ngưỡng lãi vay 20% và đối tượng áp dụng”, ông Lực nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định 20 còn những điểm chưa hợp lý.
Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Thứ hai, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần...” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc áp dụng nghị định 20 không hợp lý.
- Thứ ba, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Cũng theo luật sư Đức, việc áp dụng nghị định cũng không hợp lý.
Về thực chất, nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về “quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết” và Khoản 1, Điều 11 về “các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết” của Nghị định 20.
Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.
Do vậy, luật sư Đức cho rằng, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.
Từ những bất cập đó, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất giải pháp liên quan đến nghị định này,
Ông Lực cho rằng, về phía cơ quan quản lý, cần sớm có báo cáo đánh giá kết quả triển khai, rà soát những vấn đề thực tiễn phát sinh trong thực tế, từ đó sớm đưa ra những cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đảm bảo tính thực tế, khả thi hơn và vẫn đạt mục đích đề ra.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu các thông lệ quốc tế về chống chuyển giá BEPS để có định hướng kế hoạch hoạt động kinh doanh phù hợp, ông Lực nói.
TS. Võ Trí Thành kiến nghị cần có thời gian khoảng một năm là tốt nhất để nghiên cứu, sửa đổi. Tuy nhiên ông Thành ủng hộ nên áp dụng và đưa chuẩn mực thông lệ quốc tế này vào áp dụng tại Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa thì đề nghị,Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
“Chúng ta thấy rằng rất nhiều nước chưa áp dụng, nhất là những nước nghèo như Việt Nam. Còn tỷ lệ là 20% thấp hay cao, tôi nghĩ cần xem lại tỷ lệ cho hợp lý. Tóm lại, với Nghị định 20, tôi thấy chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối”, ông Nghĩa nói.
-
VNREA: Không nên quy định khống chế chi phí lãi vay
CafeLand - Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), trong một đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây liên quan đến Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.