Hình minh họa.
Tính đến cuối tháng 3/2014, cả nước mới có 11 dự án nhà ở xã hội (trên tổng số 81 dự án) được mở bán, với khoảng 7.000 căn hộ. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế đối với loại hình nhà ở này.
Bởi theo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nhu cầu về nhà ở xã hội hiện vào khoảng 282.000 căn. Trong đó, tính riêng ở Hà Nội, nhu cầu này là khoảng 110.000 căn. Cầu vượt trội so với cung là lý do chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở thương mại đang gấp rút chuyển mục đích sang nhà ở xã hội để chốt lời, cắt lỗ. Thế nhưng, việc chuyển hướng như vậy không phải dễ dàng.
Theo một số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cho hay, sở dĩ họ chưa mạnh dạn chuyển hướng sang nhà ở xã hội bởi thủ tục pháp lý khi chuyển đổi công năng còn khá rườm rà. Đến nay, Hà Nội mới chỉ chấp nhận cho 6 dự án trong số 15 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Còn lại, 6 dự án đang tiếp tục được xem xét và 3 dự án thì không đủ điều kiện. Trong số 25 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ, Hà Nội cũng chỉ mới chấp nhận cho điều chỉnh 10 dự án…
Về phía chủ đầu tư, việc điều chỉnh dự án cũng khiến DN khá lúng túng, nhất là việc chia nhỏ căn hộ xuống dưới 70 m2. Theo họ, việc chia nhỏ căn hộ không đơn giản chỉ là xây tường, chia phòng cho nhỏ lại, mà toàn bộ kết cấu, thiết kế của cả tòa nhà cũng phải làm lại hết, gần như là bắt đầu lại từ đầu. Bởi việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ làm tăng lượng căn hộ, khiến các chủ đầu tư phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch tăng thêm về hạ tầng kỹ thuật như thoát nước, thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy, nhà công cộng, y tế…
Quan trọng hơn, đây đều là những hạng mục không phải có thể nói và làm ngay được. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư đâm ra ngại chuyển đổi.
Đặc biệt là gần đây, hàng loạt thông tin tốt về giao dịch và giá BĐS làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của thị trường. Điều này đang khiến nhiều chủ đầu tư hy vọng giá nhà đất sẽ tăng trong thời gian tới. Cho nên, xuất hiện tâm lý “bỏ lửng” việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, để cho tiến trình này càng chậm càng tốt.
Chủ đầu tư hy vọng, thị trường thời gian tới sẽ xoay chuyển theo hướng có lợi hơn so với việc chuyển đổi vừa mất thời gian, tiền bạc và công sức... Đây cũng chính là lý do mà gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng giải ngân khá chậm chạp, vì nguồn cung không nhiều, trong khi nhiều DN “ngại chuyển đổi”.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ngày 25/3/2014, TP. Hà Nội đã ra quyết định thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS, nhằm rà soát lại tất cả các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Tổ công tác cũng sẽ có đề xuất những loại dự án được thực hiện, những dự án cần tạm dừng, các dự án điều chỉnh cơ cấu loại hình nhà ở, chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho phù hợp với thị trường. Đây là hoạt động tương đối mạnh của Hà Nội nhằm thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội cho thị trường.
Liên quan đến việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, theo ông Trương Hải Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Bộ Xây dựng nên có đề tài nghiên cứu để tạo ra một mô hình nhà ở xã hội mẫu về diện tích, vật liệu, công nghệ, giá thành… để các đơn vị có cơ sở triển khai ngay.
Các dự án sẽ có thể áp dụng theo mẫu mà không cần phải trình xin phê duyệt. “Việc này sẽ rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”, ông Long tin tưởng.
Song, chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Ngoài việc phải tạo được nguồn cung đáp ứng cầu, cơ quan chức năng nên có những quy định nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ nhà đất kiếm lời…”.