Từ hơn một năm nay, những vấn đề tồn đọng của địa ốc như mất cân đối cán cân sản phẩm, thanh khoản, tính minh bạch, sự chuyên nghiệp, đặc biệt là lượng hàng tồn - tài sản khổng lồ đang “đắp chiếu” được coi là cục máu đông của cơ thể nền kinh tế quốc dân chưa thoát khỏi trọng bệnh.

Báo Xây dựng xin ghi lại những quyết tâm, đề xuất, gợi ý, chỉ đạo của những nhà hoạch định chính sách, những cơ quan đầu ngành, và cả những DN đang trăn trở, vắt cạn cả trí lực và bầu nhiệt huyết để cùng chung tay vực dậy nền địa ốc - xương sống của kinh tế nước nhà.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Cần giải quyết khó khăn một cách đồng bộ

BĐS đang là một trong những lĩnh vực rất khó khăn và được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Vì thế để giải quyết khó khăn trong lĩnh vực này, trước hết mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. UBND các tỉnh, thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, NƠXH, KTX sinh viên... Hai là rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư. Ba là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Bốn là tăng cường quản lý nhà nước về thị trường BĐS. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển NƠXH.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đưa ra 3 nhóm giải pháp giải quyết hàng tồn kho, cụ thể: Tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế; Tập trung hỗ trợ DN mở rộng thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; Giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Ba vấn đề giải quyết khó khăn cho BĐS, nợ xấu và giải quyết hàng tồn kho có mối quan hệ lẫn nhau. Vì thế cần giải quyết 3 vấn đề một cách đồng bộ mới mang lại hiệu quả, nhất là trong khi nền kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Phải quyết liệt cơ cấu lại sản phẩm

Các nhà đầu tư BĐS mới quan tâm đến thị trường cho những người giàu hoặc người có khả năng kinh tế, sản phẩm là căn hộ cao cấp, chung cư cao cấp… Trong khi đó đại bộ phận người dân cần những sản phẩm khiêm tốn qui mô nhỏ, giá rẻ thì không có. Trong khi đó nhà giá cao, chất lượng cao, quy mô lớn thì thừa nhiều. Thực tế nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp là nhiều nhưng với thu nhập của người dân hiện nay không thể đáp ứng được những ngôi nhà giá cao. Để giải quyết khó khăn cung vượt xa cầu này cần phải có sự quyết liệt. Cơ quan quản lý cần rà soát các dự án, còn DN cơ cấu lại sản phẩm của mình.

Hà Nội có khoảng 20 nghìn ha đất giao cho các dự án nhưng không phải tất cả đã được thực hiện. Việc cơ cấu sắp xếp lại quỹ đất này hướng tới mục tiêu cuối cùng là “phục vụ người dân, cứu nền kinh tế”. Bốn loại phải sắp xếp lại bao gồm: Những dự án không phải là công trình mà chưa bức thiết thì những dự án này cần dừng lại, không GPMB; Đã GPMB nhưng chưa san nền thì cần dừng lại, tiết kiệm đất chống lãng phí, khuyến khích nhà đầu tư phát triển đất đó làm đất nông nghiệp hoặc đất khác; Đã có hạ tầng hoặc một phần hạ tầng thì điều chỉnh dự án để tăng cơ cấu NƠXH, nếu có thị trường và rất cần địa phương tham gia; Đã có căn hộ mà bị ế, chưa bán được thì xem xét cân nhắc cho phép điều chỉnh chia nhỏ căn hộ. Việc sắp xếp các dự án sẽ tránh tình trạng lãng phí đất bỏ hoang, cùng với đó hạn chế nguồn cung ra thị trường. DN phải tập trung cơ cấu lại dự án của mình. Nếu không làm được thì chuyển dự án cho người khác. Cần phải quyết liệt cơ cấu lại sản phẩm để BĐS phải đến với người dân chứ không phải làm nhà to cho đẹp hình ảnh DN.

Thị trường BĐS là xương sống nền kinh tế, nếu chúng ta để nó khó khăn sẽ kéo theo sự khó khăn chung, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô… Nếu cần có thể thành lập nhóm chuyên trách để tháo gỡ những khó khăn, rào cản này.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: Tháo “ách” thủ tục hành chính cho chủ đầu tư

Thị trường BĐS đang vô cùng khó khăn. Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng con số này lên tới 1 triệu tỷ đồng. Nợ xấu BĐS đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, có 7 yếu tố tạo nên giá thành BĐS như tiền bồi thường, tiền sử dụng đất, chi phí vốn (lãi suất quá cao), chi phí xây dựng, nhân công… khiến cho giá thành sản phẩm BĐS khó giảm sâu hơn nữa.

Nhiều DN đề xuất Nhà nước nên giãn tiến độ nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất, giảm thuế GTGT cho khách hàng. NH giảm lãi suất, cho vay ưu đãi kết hợp với việc chuyển thành nhà cho thuê… Đáng chú ý, trong những yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm BĐS, chi phí thủ tục hành chính khiến chủ đầu tư dự án nhức đầu nhất. Không tính thuế và phí của Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực, các chi phí không chính thức như điện, chiếu sáng công cộng, thoát nước… cũng chiếm con số không nhỏ. Chỉ riêng điện lực chiếm từ 5 - 7% chi phí của dự án mà DN không biết hạch toán vào đâu? Nhiều DN đầu tư hệ thống lưới điện, lắp đặt đồng hồ đến từng căn hộ xong phải… năn nỉ “ông” điện lực xuống làm thủ tục, tốn cả tỷ đồng. Trung bình, với mỗi căn hộ, chủ đầu tư phải tốn thêm từ 200 - 300 nghìn đồng tiền điện lực…

Bà Nguyễn Thị Mùi - Chuyên gia tài chính, ngân hàng: Khắc phục trì trệ của cả cung và cầu

BĐS hiện nay liên quan đến hơn 80 mặt hàng trong xã hội. Do đó, giảm tồn kho trong lĩnh vực BĐS rất quan trọng. Nói giá BĐS đã đến đáy, tuy nhiên đâu là đáy vẫn cần phải bàn, nhưng so với thu nhập của người dân hiện nay thì BĐS vẫn đang giá "trời ơi", do đó phải kéo giá xuống. Nếu giá hiện nay cứ để cho DN BĐS cho rằng là đáy rồi thì không giải quyết được vấn đề, mà phải nhìn thực vào những chi phí của DN BĐS. Có những chi phí không hợp lý nhưng vẫn được tính vào giá thành thì không bao giờ có được giá thống nhất. Do đó, DN cần có cách nhìn đầy đủ hơn, chấp nhận lỗ để trên cơ sở đó thu hồi vốn nhanh hơn. Lợi nhuận tạo ra từ chính việc quay vòng vốn nhanh đó, từ đó giải tỏa cho một loạt ngành, như: NH, VLXD… cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đi đôi với đó là hạ lãi suất NH. Xem xét vấn đề đưa vay tiêu dùng, trong đó có vay mua nhà ở vào trong nhóm đáp ứng vốn tối thiểu cần thiết thay vì vay tiêu dùng nằm trong nhóm phi sản xuất nên không được khuyến khích như hiện nay. Bên cạnh đó, biện pháp để tạo cầu rất cần phải bàn đến. Theo đó, trong lĩnh vực thuế: áp dụng việc nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân sớm trong năm nay thay vì phải đợi đến ngày 01/7/2013 thì sức mua của xã hội sẽ khác. Ở khía cạnh DN, cầu cũng sẽ tác động khi điều chỉnh miễn giảm thuế thu nhập DN hay thuế VAT. Thực tế mức đóng góp của DN Việt Nam hiện nay so với các nước vào loại rất cao so với thực lực DN. Trong bối cảnh hiện nay, tại sao không kéo xuống ngay mà phải đợi đến cuối 2013?

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, rất cần bàn tay điều tiết của Nhà nước để khắc phục tính trì trệ của thị trường cả về phía cung và cầu. Làm như vậy mới có điều kiện giải quyết hàng tồn kho DN.

Ông Trương Chí Kiên - Giám đốc Cty CP Him Lam Thủ đô: Vẫn cần phải kích cầu

Cung BĐS đang thừa, rõ ràng cần phải có chiến lược cắt lỗ. Là DN làm BĐS, tôi cho rằng giá BĐS của những dự án chào bán trong năm 2012 đã chạm về đáy so với những chi phí bỏ ra của DN. Bởi cơ cấu giữa giá bán và biên độ lợi nhuận mà các DN BĐS nhận được rất khiêm tốn: 10 - 15%. Với tổng chi phí và rủi ro mà họ phải gánh chịu, đó là mức xứng đáng mà DN được hưởng. Để giải quyết tồn kho BĐS vẫn cần phải kích cầu. Nhưng kích cầu vào đâu để phát triển bền vững theo đúng nghĩa? Theo tôi, chúng ta phải quay về cầu thực của thị trường. Thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay so sánh với thế giới rất khập khiễng. Cho nên người dân có nhu cầu thực muốn mua được nhà vẫn đang chịu lãi suất cao. Tiền mua từ đâu nếu thu nhập thực tế của người dân không đủ khả năng? Do đó, muốn kích cầu BĐS vẫn cần bài toán tổng thể giảm giá thành, kích cầu và chương trình hỗ trợ chính sách để người dân được tiếp cận với nguồn vốn thì mới giải được bài toán một cách triệt để, nếu không chỉ giải quyết được vấn đề "ngọn" mà chưa giải quyết được vấn đề "gốc".

Theo Đông Hưng (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.