04/05/2022 4:01 PM
Trong câu chuyện phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khúc mắc, dẫn đến chính sách cho loại hình này chưa thực sự thu hút nhà đầu tư.

Câu chuyện phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khúc mắc

TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc cho vay nhà ở xã hội nông thôn không thực tế, bởi người dân ở nông thôn chẳng ai thuê nhà ở xã hội làm gì.

“Chúng ta hiểu về nhà ở xã hội chưa chuẩn. Đó không phải là nhà từ thiện, nhà cho không. Mức phí chi trả nhà ở xã hội hiện nay thấp hơn nhà ở thương mại”, ông Lực nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn bất động sản Lan Hưng, cho rằng lực lượng sử dụng nhà ở này là những người có thu nhập thấp, lên đến hàng triệu người trong khi nguồn cung trên thị trường đang rất thiếu.

Theo ông Toàn, nên bỏ quy định doanh nghiệp phải trích 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Vì rất vướng nên thời gian qua, các doanh nghiệp làm dự án nhà ở thương mại hầu như đều không thực hiện được quy định này.

Số lượng các dự án triển khai rất ít, phần lớn các doanh nghiệp chọn cách nộp tiền. Số tiền này đưa về ngân sách lại phục vụ việc khác chứ không dùng để xây nhà ở xã hội.

“Chúng ta nên quy hoạch riêng từng khu nhà ở xã hội chứ không cần phân biệt nhà ở công chức, công nhân, người nghèo… Đối với nhà ở xã hội, nếu chúng ta quy hoạch một chỗ thì sẽ bán hết ngay, cứ tách lẻ thì sẽ không bán được”, ông Toàn nói.

Về vấn đề cho thuê 20% nhà ở xã hội trong dự án, ông Toàn cho biết thực chất không có người thuê.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá thuê nhà cao nên mức quy định cho thuê trên là phù hợp. Nhưng ở địa phương, nếu cho thuê từ 1- 4 triệu đồng thì không có người thuê, doanh nghiệp không thể thu hồi vốn.

Theo ông Toàn, nên giảm số lượng nhà cho thuê xuống 5-10%, trong đó ở nông thôn 3-5%, thành phố là 10%.

Luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh, Công ty luật hợp danh Minh Bạch, cho rằng cần thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất để xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng cơ chế cho phép nhưng cũng tăng cường kiểm soát để doanh nghiệp thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân viên trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về quỹ đất dành cho dự án nhà ở xã hội tại các địa phương, chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Cần giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp trên cơ sở cân đối với mức thu nhập của đối tượng được ưu đãi mua nhà ở xã hội nhằm thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, chỉ có hộ gia đình, cá nhân là đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, không bao gồm tổ chức, pháp nhân. Do đó, khi có nhu cầu, doanh nghiệp không thể tiến hành mua, thuê nhà ở xã hội cho công nhân viên.

Vấn đề này gây khó khăn cho cả những đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà đầu tư dự án. Bởi nếu nhà ở xã hội được doanh nghiệp thuê, mua lại cho công nhân viên, thời gian thu hồi vốn của chủ dự án sẽ rút ngắn, người thuê sẽ sớm có chỗ ở ổn định mà không cần lo lắng về vấn đề tài chính.

Về thời hạn chuyển nhượng nhà ở xã hội, theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở 2014, nhà ở xã hội được chuyển nhượng sau thời hạn là 5 năm cho các đối tượng có nhu cầu.

Theo luật sư Quỳnh, quy định này đã hạn chế một phần quyền tự do chuyển nhượng nhà ở của những người thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, dẫn tới những hệ lụy khác khi những chủ thể này muốn “lách luật” để chuyển nhượng khi không còn nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, đối với trường hợp các bên lập hợp đồng ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản là nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc ủy quyền là có thời hạn và bên ủy quyền còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Sau khi thời hạn ủy quyền chấm dứt, tất cả các quyền đã thỏa thuận trong hợp đồng của bên nhận ủy quyền sẽ chấm dứt.

Khi hai bên chấm dứt hợp đồng ủy quyền, bên có nhu cầu mua nhà ở xã hội có nguy cơ bị mất khoản tiền đã thanh toán mà không có quyền sở hữu nhà ở.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.