Sự hưng phấn của nhà đầu tư giúp VN-Index tiến gần tới mức kỷ lục từng xác lập cách đây 11 năm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, VN-Index giữ vững mốc 1.120 điểm, đồng thời ghi nhận mức tăng gần 14% kể từ đầu năm. Đà tăng này đã đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới trong 2 tháng đầu năm 2018, đứng trên Brazil, Nga, Argentina và gấp gần 3 lần mức tăng của chỉ số Nasdaq (Mỹ).

Nếu tính cả năm 2017, chỉ số đại diện cho Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã tăng gần 70%, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường có mức tăng tốt nhất và hấp dẫn nhất.

VN-Index đã tăng gần 70% kể từ đầu năm 2017 đến nay. Ảnh: Công ty chứng khoán VNDirect

Kể từ nửa cuối năm 2017, chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư được nhắc đến nhiều nhất, về cả mức độ hấp dẫn lẫn khả năng sinh lời.

Kênh đầu tư này đã ghi nhận mức tăng không chỉ về điểm số, mà cả khả năng "hút tiền" từ nhà đầu tư. Thanh khoản bình quân toàn thị trường năm 2016 chỉ hơn 3.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch, đã tăng lên 5.000 tỷ vào năm 2017 và tăng gần gấp đôi lên 9.600 tỷ đồng trong những ngày đầu năm 2018.

Một bài viết mới đây của hãng tin Bloomberg đã đặt tựa đề "Việt Nam giành lại vương miện chứng khoán châu Á" để nhấn mạnh về sự trở lại của kênh đầu tư này. Theo hãng tin này, chỉ vài tuần trước ảnh hưởng của đợt bán tháo trên thị trường thế giới đã khiến Việt Nam tuột khỏi vị trí đứng đầu châu Á. Tuy nhiên sự bi quan không kéo dài lâu và chứng khoán Việt Nam đã trở lại. “Đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu”, hãng tin này đánh giá.

Một cuộc khảo sát với sự tham gia của 10 chuyên gia được Bloomberg thực hiện cũng nhận định chỉ số VN-Index sẽ còn tăng và vượt mức đỉnh kỷ lục cách đây 11 năm. Kết quả khảo sát dự báo chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt mức 1.210 điểm vào cuối năm 2018.

Động lực cho sự tăng trưởng này đến từ những yếu tố vĩ mô như sự ổn định của kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, ổn định lạm phát, tỷ giá, cho tới các yếu tố vi mô như bức tranh hoạt động tích cực của các doanh nghiệp.

"Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến sẽ tốt hơn, tăng khoảng 20-25% không chỉ với các công ty niêm yết mà còn ở những công ty mới lên sàn", ông Thang Uong, người quản lý danh mục một tỷ USD của quỹ Manulife tại Việt Nam trả lời Bloomberg. "Chúng tôi rất lạc quan về thị trường trong năm nay".

Trao đổi với VnExpress đầu năm, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đưa ra dự báo VN-Index có thể đạt 1.300 điểm vào cuối năm, với những động lực tăng trưởng từ năm 2017 tiếp tục được giữ vững trong năm 2018.

Trong phần đánh giá về thị trường năm nay với tiêu đề "Sóng sau xô sóng trước", Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường. Trong đó, với điều kiện bình thường, VN-Index sẽ tăng 17-19%, còn ở kịch bản tốt nhất khi được cân nhắc thăng hạng, VN-Index có thể tăng 45-67%.

Với dự báo này, VDSC kỳ vọng VN-Index có khả năng kết thúc năm 2018 ở mức từ 1.170 điểm trong điều kiện bình thường và đạt đến 1.640 điểm trong điều kiện tốt nhất.

Minh Sơn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.