Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 tăng thêm 3,4%, mức tăng phiên mạnh nhất ghi nhận kể từ hồi tháng 8 tới nay, lên chốt phiên ở mức 1.194,89 điểm. Tổng kết trong 5 phiên liên tiếp vừa qua, chỉ số này đã tăng 8,7%.
Chỉ số Dow Jones Industrial giành thêm 330,06 điểm cộng trong phiên đầu tuần này, tương đương tăng 3% so với cuối tuần trước, chốt phiên ở mức 11.433,18 điểm. Nasdaq Composite tăng 3,5%, lên thành 2.566,06 điểm.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính giúp Phố Wall tăng điểm là nhờ lãnh đạo các quốc gia châu Âu, mà đi đầu là Đức, Pháp đã đi tới cam kết có kế hoạch trợ giúp các ngân hàng châu Âu, qua đó nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực.
Lãnh đạo Đức - Pháp đồng thuận hỗ trợ các ngân hàng châu Âu
đã giúp chứng khoán tăng điểm trên diện rộng - Ảnh: Bloomberg |
Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố họ sẽ đưa kế hoạch cụ thể để điều chỉnh vốn cho các ngân hàng châu Âu và giải quyết nợ công Hy Lạp vào ngày 3.11 tới đây, tại cuộc họp của nhóm G.20. Cùng với đó, chính phủ Bỉ đồng ý mua lại bộ phận cho vay cá nhân của ngân hàng Dexia.
Chuyên gia kinh tế Peter Jankovskis thuộc Oakbrook Investments (trụ sở tại Lisle, bang Illinois) cho rằng châu Âu đang có những bước đi khả quan và đáng mừng. Vấn đề bây giờ là làm sao với những ngân hàng đang nắm giữ những khoản nợ của Hy Lạp. Theo ông, chỉ cần hệ thống ngân hàng sống sót thì mọi chuyện sẽ không là vấn đề quá lớn.
Toàn bộ 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 đều tăng điểm phiên này, trong đó đi đầu là cổ phiếu ngân hàng - tài chính, cổ phiếu năng lượng và các công ty sản xuất nguyên vật liệu thô và cổ phiếu công nghiệp.
Chỉ số thị trường S&P 500 được dự đoán sẽ tăng tới 1.400 điểm từ nay tới cuối năm 2011. Mức dự báo trước đó đối với chỉ số này là 1.475 điểm.
* Tại châu Âu, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực ghi nhận chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp với mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11.2008. Chỉ số này tăng thêm 1,7% trong phiên đầu tuần 10.10.
Tổng kết trên các thị trường thành viên, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,8%, lên thành 5.399 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 2,13%, lên chốt phiên ở mức 3.161,47 điểm; DAX của Đức chốt phiên ở mức 5.847,29 điểm với 171,59 điểm cộng trong phiên đầu tuần, tương đương tăng 3,02% so với cuối tuần trước. Cả 3 chỉ số này cũng ghi nhận mức tăng liên tiếp trong 4 phiên lớn nhất kể từ 2008.
* Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 1% trong phiên 10.10 (kết
thúc chiều cùng ngày, giờ VN) sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên
bố sẽ làm mọi điều cần thiết để các ngân hàng có đủ vốn hoạt động.
Chỉ số HSI của Hồng Kông tăng nhẹ 0,02% trong phiên này, lên thành 17.711,1 điểm. S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,92%, chốt phiên 10.10 ở mức 4.201 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,61% và 0,94%. KOSPI (Hàn Quốc) tăng 0,38%; Straits Times của Singapore tăng 1,06%.
Tính tới hết tuần trước (7.10), chỉ số MSCI Asia Pacific đã giảm 20% so với đầu năm nay, trong khi đó STXE 600 của châu Âu giảm 16%; S&P 500 giảm 8,1%.