Sự lình xình của TTCK VN kéo dài quá lâu đã tạo sức ép lên hoạt động đầu tư. Do đó, chỉ cần một động lực đủ sức mạnh, hai sàn có khả năng sẽ bật lên mạnh mẽ.
Quá nhiều lý do để nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường. Nhưng, sâu xa trong đó vẫn là sự thiếu lòng tin vào các lực đỡ cho thị trường, mà đáng kể nhất vẫn phải tính đến dòng tiền.

Chỉ số VN-Index đã hạ 25% trong 12 tháng qua, chỉ số HNX trên sàn Hà Nội cũng giảm với mức tương tự. Tính toán của ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Phân tích Cty chứng khoán SME cho thấy, nếu bỏ qua các yếu tố có thể làm “nhiễu” thị trường, thì chỉ số P/E của 80% số mã chứng khoán trên thị trường hiện nay đã lùi về ngưỡng 5x – 7x, tức là “rẻ” hơn nhiều so với bất kỳ thị trường nào trong khu vực. Các chuyên gia khác cũng nhận định chỉ số VN-Index hiện nay chỉ ở trong khoảng 9x đến hơn 11x. Trong khi đó chỉ số chính của TTCK Sri Lanka tăng 116%, chỉ số chính trên thị trường Malaysia tăng 43% còn chỉ số chính của thị trường Jakarta - Indonesia và Bangkok - Thái Lan tăng lần lượt 41% và 35%.

Các chuyên gia lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dòng tiền nóng lạnh nhạt với một thị trường vốn được đánh giá cao như VN là do những lo ngại về sự ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm chính là vấn đề tỷ giá. Theo ông Hùng, tính trung bình trong vài năm trở lại đây, mỗi năm VND mất giá khoảng 5%. Riêng năm 2010, nếu so sánh với thị trường tự do (tính đến cuối tháng 10), VND mất giá khoảng 10%. Như vậy, nếu nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài phân bổ nguồn vốn vào VN, bỏ qua các rủi ro vĩ mô khác, lợi nhuận phải cao hơn các thị trường mới nổi khác tối thiểu 5% để đạt được mức tăng trưởng tương tự. Đó là chưa kể đến USD trong năm qua mất giá tương đối so với các đồng tiền khác nên mức độ chênh lệch còn cao hơn.

Chỉ số P/E của 80% số mã chứng khoán trên thị trường hiện nay đã lùi về ngưỡng 5x – 7x, “rẻ” hơn nhiều so với thị trường các nước trong khu vực.

Không thể phủ nhận các chỉ số chứng khoán đang hết sức hấp dẫn khi ở mức thấp như hiện nay. Tuy nhiên, việc dòng tiền nóng chưa chảy vào VN cũng đang trở thành một lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Việc các nước phải tìm cách “ghìm cương” giá trị nội tệ cho thấy dòng tiền nóng đang tạo ra nguy cơ bong bóng ở nhiều quốc gia. Khi cổ phiếu ở các quốc gia thật sự trở nên đắt đỏ, dòng tiền nóng sẽ tìm về VN - thị trường mới nổi vốn vẫn được đánh giá cao trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa diễn ra cho đến đầu năm 2011.

Một bài viết mới đây đăng tải trên Reuters cũng nhận định “dòng tiền nóng sẽ sớm tìm đến với VN”, trong đó nhận định, những lo ngại về sự bất ổn kinh tế VN sẽ trở nên không quan trọng nữa, trước sức hấp dẫn của thị trường này. Hãng tin này cũng cho biết, Hiện tại, rất nhiều quỹ đầu tư trong nước cho rằng đã tới thời điểm bật lên của thị trường. Ông Don Lam - Chủ tịch Quỹ VinaCapital cho rằng, trong ngắn hạn, khi bức tranh tiền tệ chưa rõ ràng thì VN sẽ khó thu hút dòng vốn trên. Tuy nhiên, các NĐT có tầm nhìn xa vẫn đang "lai rai" mua ròng. Họ đặt niềm tin vào kinh tế VN và biết khó khăn chỉ là tạm thời, không quá bận tâm tới câu chuyện tỷ giá.

Điều đáng nói là, đã đến lúc NĐT nội tham gia vào thị trường chưa, khi mà nhiều ý kiến phân tích vẫn lo ngại vào những đợt suy giảm ngắn hạn ? Thực tế đầu tư chứng khoán tại thị trường VN cho thấy, NĐT vẫn mang cách nhìn ngắn hạn, vẫn chú trọng đầu tư “lướt sóng”. Khi thị trường lình xình, cơ hội đầu cơ trở nên khó khăn, rủi ro hơn thì nhiều NĐT chọn cách đứng ngoài. Vấn đề là, nếu đầu tư theo hướng này, NĐT có khả năng trở tay không kịp. Một khi dòng vốn ngoại tìm đến VN, thị trường sẽ sôi nổi hơn và kéo dòng tiền nội tham gia thị trường và ngược lại.
Cafeland.vn - Theo Phạm Lan (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland