22/04/2021 7:07 PM
Hoạt động bán tháo trên diện rộng diễn ra khi nhà đầu tư lo sợ dư nợ cho vay margin các công ty chứng khoán đang căng cứng

Ngày 22-4, nếu như đóng cửa phiên buổi sáng, các chỉ số chứng khoán chỉ giảm nhẹ với VN-Index mất 6,73 điểm, HNX-Index mất hơn 5 điểm thì đến cuối phiên buổi chiều, các chỉ số đã đồng loạt giảm mạnh khi hoạt động bán tháo diễn ra trên diện rộng.

Theo đó, VN-Index giảm 40,46 điểm, xuống còn 1.227,82 điểm; HNX-Index mất tới 9,44 điểm, còn 287,04 điểm; UpCom Index giảm 2,09 điểm, còn 79,64 điểm.

Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ trước Tết Nguyên đán trở lại đây.

VN-Index bất ngờ giảm mạnh phiên buổi chiều

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn đạt trên 25.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư đang chuyển trạng thái từ ổn định của hai phiên trước sang lo lắng thật sự.

Áp lực bán tháo diễn ra trong phiên khớp lệnh ATC khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn như PVS, HSG, VRE, MSN, SSI, ... Bên cạnh đó, các mã như CTG, STB, VHM, BID hay MBB cũng giảm trên 4%. Các mã cổ phiếu vừa và nhỏ như FTM, KBC, SMC, AAA, CTS, DLG, DRH, FCN... cũng đua nhau giảm sàn.

Phiên này, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 140 tỉ đồng trên toàn thị trường. Trong đó nhờ lượng mua thỏa thuận MWG gần 1.000 tỉ đồng nên giá trị bán ròng thấp xuống. Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất gồm có HPG (-236,5 tỉ đồng), VPB (-149 tỉ đồng), VSC (-118,8 tỉ đồng)…

Các chuyên gia nhận định việc thị trường giảm điểm là như giọt nước tràn ly, khi các mã chứng khoán vừa và nhỏ đã giảm cả tuần qua. Các mã chứng khoán lớn thuộc dòng họ Vin đã kéo giữ thị trường, đến thời điểm này thì rớt và kéo theo sức giảm mạnh. Tuy nhiên, thông tin nhạy cảm khiến nhà đầu tư lo lắng bán ra cổ phiếu một phần là do thông tin các công ty chứng khoán đã "full margin", dư nợ cho vay chạm trần nên nhà đầu tư bán ra.

Hiện các công ty chứng khoán chưa kịp tăng vốn điều lệ. Với tỉ lệ cho vay 200% vốn thì chắc chắn sẽ không đủ cho nhu cầu thị trường, sắp tới sẽ có nhiều công ty chứng khoán xin ý kiến tăng vốn lên.

Sơn Nhung (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.