Ảnh minh hoạ.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 40 mã tăng và có tới 475 mã giảm, trong đó có tới 109 mã giảm sàn. VN-Index giảm 59,99 điểm (-4,7%) xuống 1.216,61 điểm.
Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất SHB tăng nhẹ 0,4%, đóng cửa đứng tại mức giá 11.350 đồng/cổ phiếu. Còn lại 29 mã giảm điểm, trong đó có 6 mã nằm sàn gồm MSN, BCM, BID, GVR, SSI và VRE, cùng các mã bank khác như CTG, TPB, TCB có mức giảm trên 6%. Kết phiên, nhóm vốn hóa lớn này cũng bốc hơi tới hơn 56 điểm, về dưới mốc 1.230 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu nóng bất động sản cũng không tránh khỏi đà giảm này khi DIG, TCH, DXG, PDR đều dư bán sàn vài triệu đơn vị; các mã khác như CII, HHV, KBC, HQC, BCG, LCG, VCG… cũng đồng loạt giảm sàn.
Chốt phiên, sàn HNX có 35 mã tăng và 172 mã giảm, trong đó có tới 31 mã nằm sàn, HNX-Index giảm 11,62 điểm (-4,82%) xuống 229,71 điểm.
Nhóm HNX30 giảm tới hơn 42 điểm với toàn bộ 30 mã đều mất điểm, trong đó hàng loạt mã như VIG, DTD, DXP, TNG, BVS, CEO, L18, PVC đều giảm kịch sàn; còn lại phần lớn đều giảm hơn 5%.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra dự báo rằng thị trường có thể sớm quay trở lại đà giảm trong phiên giao dịch đầu tuần 15/4 và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.270 điểm trong những phiên giao dịch tới). Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và thị trường vẫn đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng cho thấy các nhà đầu đang giảm bi quan hơn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại hoặc chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo rằng, trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục hồi phục trở về vùng 1.280 – 1.300, tuy nhiên dòng tiền trong thị trường còn đang rất yếu, tiềm ẩn rủi ro rung lắc mạnh.
Theo SGI Capital nhận định, đang có nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Đầu tiên là áp lực đến từ tỉ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua, kế đến là áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh. Bên cạnh đó, còn có áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý II và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên. Trong khi đó, thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.
-
Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng, tăng cung cho thị trường
Ngày 15/4, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung ra thị trường. Như vậy, sau 11 năm, NHNN quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.