09/12/2011 2:46 PM
Những vụ việc lộn xộn, tranh chấp, chất lượng nhà ở v.v... xảy ra ngày càng nhiều, càng dồn dập tại các chung cư từ Bắc vào Nam. Vụ Keangnam (Hà Nội) đang xảy ra là giọt nước tràn chén đắng. Bởi nó rất điển hình với những tình tiết đầy kịch tính và đối kháng giữa cư dân và công ty quản lý chung cư. May mà trong tám giờ bị đóng thang máy ngang xương không xảy ra hỏa hoạn hay biến cố gì, nếu không thì sự việc sẽ không biết bị đẩy xa đến đâu trong ngôi nhà 48 tầng cao nhất nước.

Mà không chỉ mỗi Keangnam. Trước đó, các chung cư CT3 Yên Hòa, 93 Lò Đúc, Golden Westlake đã có nhiều chuyện tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư, ban quản lý với cư dân, những người bỏ ra cả đống tiền mua nhà và đã có giấy sở hữu căn hộ. Có hai vấn đề nổi bật: chất lượng nhà ở trong thời gian còn bảo hành và tiền phí quản lý. Ngoài ra còn những tranh chấp về tiền phải trả để có giấy tờ sở hữu căn hộ như ở Phú Mỹ Hưng (TP.HCM). Vụ Keangnam mới đây là đỉnh điểm của tính đối kháng về tiền phí, khó có được tiếng nói chung. Xung đột giữa người dân (cũng là chủ nhà) và chủ đầu tư (chủ dự án) luôn là việc sử dụng công trình phụ thiết thân với cư dân, nhiều khi còn quan trọng hơn cả diện tích nhà ở như thang máy, hệ thống điện, nước, gaz, hành lang, tầng hầm v.v... Chủ đầu tư luôn có xu hướng kinh doanh những gì thuộc các công trình phụ ấy để có lợi nhuận tối đa. Các ông chủ thật sự của chung cư là người trả tiền kêu không chịu nổi, còn chủ đầu tư thì nói mức phí trần quy định không thể trang trải chi phí thực tế. Không trang trải được thì phải cắt điện, cắt thang máy. Cả hai đều có cái lý của mình. Mâu thuẫn xảy ra đến mức căng thẳng, chủ đầu tư cư xử theo luật rừng, còn cư dân cũng không kém, họ dùng mọi hình thức để phản đối như trong vụ Keangnam.

Thực ra, các khoản của điều 225 thuộc Bộ luật Dân sự đã quy định rõ, “toàn bộ căn nhà chung cư không thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư mà thuộc quyền sở hữu của tất cả các chủ sở hữu các căn hộ trong chung cư đó”. Nếu như vậy thì việc quản lý ngôi nhà chủ yếu là thuộc quyền của cư dân và đương nhiên họ sẽ phải trả đủ những khoản chi phí thực tế, kể cả lương của ban quản lý. Phí cao hay thấp tùy thuộc vào đẳng cấp của ngôi nhà và người mua phải biết rõ mình sẽ được sở hữu những gì, chi phí quản lý, chi phí bảo trì bao nhiêu khi ký hợp đồng. Khi ban quản lý minh bạch được chi phí thì thỏa thuận có thể vượt mức trần của Nhà nước. Tiền nào của ấy, không ai bao cấp hay bù lỗ.

Nhưng tiếc thay, có một thực tế là người dân, kể cả những người thuộc tầng lớp khá giả, bỏ hàng chục tỷ đồng mua một căn hộ cao cấp nhưng chưa chắc họ đã đọc kỹ hợp đồng hoặc buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh hợp đồng để phù hợp với luật pháp. Họ đã mặc nhiên từ bỏ quyền của mình ngay từ đầu, thậm chí đang cơn sốt chung cư, họ mua nhà giá cao một cách tù mù. Ví dụ trong vụ Keangnam, “hợp đồng ghi rõ thang máy thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư nên nó là diện tích riêng của chúng tôi” (lời ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Keangnam Vina nói với báo giới). Nếu biết rõ và lường trước hậu quả của điều này, liệu Nhà nước có nên cấp phép đầu tư (vì trái điều 225 nói trên) và người dân có chấp nhận giá của căn hộ Keangnam như đã mua? Và hậu quả là chủ đầu tư “cắt thang máy” một cách có thể nói là “dã man”, giữa họ và cư dân rồi sẽ khó tìm được tiếng nói chung nếu cả hai cùng muốn cái lợi thuộc về mình.

Không thể chấp nhận cách đối xử của chủ đầu tư với cư dân như đã xảy ra trong vụ Keangnam. Nhưng cũng không thể có cách giải quyết nào khác về phí dịch vụ các chung cư bằng luật pháp về quyền sở hữu. Đó là trách nhiệm trả đủ chi phí của cư dân với điều kiện họ có quyền chọn ban quản lý và những chi phí này phải được minh bạch, không được tù mù theo kiểu lùa được dân vào nhà rồi muốn “chém” thế nào cũng được.

Theo Nguyễn Quang Thân (PNO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.