Hiện Công ty TNHH Tân An Bình đang là đơn vị cung cấp ga tại đây hoạt động theo nguyên tắc lắp đặt khu bồn chứa tổng từ đó gas sẽ qua hệ thống mạng đường ống để đến từng căn hộ.
Giải thích về sự cố cắt ga tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính, nhân viên công ty Tân An Bình cho biết: “Do trong quá trình thi công Công ty chiếu sáng đâm thủng ống dẫn ga nên hệ thống cung cấp ga bị ngừng. Đường ống lại vướng vào cột điện nên việc khắc phục sự cố gặp khó khăn. Các tòa 17T3, 17T1, 17T2, 15T và 24T1 đi theo đường ống này nên đều bị cắt ga”.
Khái niệm “ăn dè” nước đã trở thành điệp khúc quen thuộc ở nhiều chung cư, KĐT.
Còn theo một số hộ dân tại tòa 24T1, trước đó không lâu tòa nhà cũng bị cắt ga khiến cho sinh hoạt của người dân ít nhiều bị đảo lộn.
Một người dân chia sẻ: Việc nấu được một bữa cơm cũng trở nên khó khăn. Phải chật vật với từ nồi cơm điện đến bếp từ.
Bị cắt ga từ khoảng 4h chiều nhiều hộ gia đình đi làm về lại kéo nhau đi “cơm hàng cháo chợ” cho qua bữa.
Ngay ở những chung cư cao cấp chuyện “cắt” cũng không ngoại lệ. Những lùm xùm tại tòa nhà cao nhất Việt Nam – Keangnam LandMark hạn chế sử dụng thang máy đối với gần 400 hộ dân, cắt một số dịch vụ đã tạo ra làn sóng phản đối của cư dân. Người dân còn mang bếp than tổ ong ra đốt, trải chiếu để chuẩn bị "ăn ngủ tại sảnh" của tòa nhà được mệnh danh hiện đại nhất Việt Nam.
Hơn 90 hộ dân sống tại tháp Ruby 1, khu căn hộ cao cấp Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, TP HCM cũng bị Ban quản lý cắt nước với lý do nợ phí bảo trì. Quy trình cắt nước tại Ruby 1 khiến nhiều người dân phải nhìn lại mác chung cư cao cấp mà Saigon Pearl đang khoác trên mình.
Ngay cả ở những chung cư cao cấp chuyện "cắt" cũng không ngoại lệ
Tại thời điểm nắng nóng hồi đầu tháng 5 không đảm bảo được việc cung cấp nước hàng nghìn hộ dân ở toà nhà CT1, CT2 ở khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội phải mua nước với giá 50 nghìn đồng/m3 để sinh hoạt. Khái niệm “ăn dè” nước đã trở thành điệp khúc quen thuộc ở nhiều chung cư, KĐT.
“Sống tại chung cư điện, ga, nước đều đăng ký dịch vụ không thể chủ động được nên ngừng cung cấp cái nào là dân khổ cái đấy. Cứ nhìn vào hệ thống ga mà thỉnh thoảng lại có sự cố, cắt rồi lại mở cũng khiến chúng tôi rất lo lắng. Đây không chỉ là vấn đề sinh hoạt bị xáo trộn nữa mà còn là bảo đảm an toàn, tính mạng” – một người dân tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính bày tỏ.
Đối với nhà quản lý cung cấp dịch vụ giải quyết chỉ là cái lắc đầu xua tay sự cố khách quan, phải chờ khắc phục xử lý. Còn người dân cũng chỉ biết “sống chung với lũ”. Mất nước, thiếu nước thì mua nước xe bồn 50 nghìn đồng/m3. Mất điện, mất ga không chịu trận được thì tản cư. Người dân cứ thế mà xoay!