Theo nghiên cứu của CBRE thì quý I/2011 chứng kiến sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ, từ tập trung tăng trưởng kinh tế sang kiểm soát lạm phát. Chính sách thắt chặt tiền tệ với việc NHNN tăng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái góp vốn (tăng từ 9% lên 11% trong tháng 2.2011 và lên 12% trong tháng 3.2011) đã khiến các NHTM gặp khó khăn khi vay tiền từ NHNN, do vậy đã hạn chế khả năng cho vay.
Tuy nhiên, trong nỗ lực cải thiện thâm hụt thương mại quốc gia và sự thiếu hụt đồng USD, tỉ giá đồng VND trên USD đã bị điều chỉnh 4 lần kể từ tháng 11.2009; cùng với đó là chính sách thắt chặt quản lý vàng, TTCK lên xuống thất thường và vẫn đang trên đà xuống dốc... đã khiến BĐS vẫn là kênh được nhiều nguồn tiền đổ vào trong quý I/2011.
Cùng chung quan điểm này, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cũng cho rằng, cầu về BĐS, đặc biệt là các căn hộ hạng A (có giá từ 1.900 – 3.200USD/m2) vẫn rất lớn do vẫn là nơi cất trữ tiền an toàn. “53% dân số Việt Nam trong độ tuổi dưới 30 tuổi và thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng và tốc độ phát triển của nhóm này đang tăng, vì vậy nhu cầu về căn hộ để phục vụ đối tượng này rất lớn” - bà Hằng nói.
Nguồn cung lớn, giá tăng nhẹ
Theo CBRE, 2 dự án lớn của Vincom là Royal City ở quận Thanh Xuân và Times City ở quận Hoàng Mai chiếm hơn 50% tổng cung mới trong quý I/2011. Như vậy, xét về vị trí, quận Hà Đông đã để mất vị trí dẫn đầu cho quận Thanh Xuân và Hoàng Mai với nguồn cung “khủng” của 2 dự án này.
Điều đáng chú ý là tốc độ bán hàng của phân khúc cao cấp được cải thiện đáng kể so với năm 2010. “Nếu như trong năm 2010, các dự án chào bán cao hơn mức giá 1.500USD/m2 có tốc độ bán chậm thì đến quý I/2011 đã còn không còn tồn tại mức giá phân định rõ ràng như vậy.
Người mua khó tính hơn khi cân nhắc so sánh số tiền sẽ bỏ ra với giá trị nhận được từ căn hộ, bao gồm vị trí, danh tiếng chủ đầu tư, thiết kế, chất lượng và tiện ích, trước khi đi đến quyết định mua cuối cùng”, ông Richard Leech – GĐ điều hành CBRE cho biết. Tuy nhiên theo Savills, mặc dù thừa nhận các dự án hạng A có tình hình hoạt động tốt hơn so với các quý trước về số lượng căn hộ được bán, tỉ lệ bán đạt 20% song vẫn chậm hơn so với các hạng khác.
Về giá căn hộ, theo thống kê của Savills, giá chào bán thứ cấp trung bình tăng 3% so với quý IV/2010, trong đó quận Long Biên tăng mạnh nhất ở mức 8,5%, theo sau là Gia Lâm tăng 6% so với quý IV/2010. Đáng chú ý, quận Tây Hồ có giá chào bán trung bình cao nhất Hà Nội xấp xỉ 2.500USD/m2 (tương đương 50 triệu đồng/m2). “Xu hướng giá bình ổn này dự kiến sẽ tiếp tục trong quý II/2011, do nguồn cung mới dự kiến vẫn ở mức cao (4.000 căn) và nhu cầu bị hạn chế” - ông Richard Leech nhận định.
Lượng căn hộ trung bình cũng tăng đáng kể. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn Hà Nội, có ít nhất khoảng 30 dự án căn hộ chung cư đang được chào bán, với lượng căn hộ chào bán trong quý tương đương khoảng 13.000 căn, trong tổng số khoảng 25.000 căn hộ từ khoảng 30 dự án này.
Một số dự án căn hộ trung cấp cũng được chào bán trong quý như AZ Thăng Long, Vĩnh Hưng Dominium, Bemes Cầu Bươu (408 căn), Golden Palace – Hà Đông (240 căn), Rừng Cọ Ecopark, chung cư Tân Tây Đô... Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tuy nguồn cung căn hộ ngày càng dồi dàng tạo áp lực cho chủ đầu tư, tuy nhiên với những dự án có vị trí tốt, tiến độ thi công đúng thời hạn và cam kết chất lượng các dịch vụ đi kèm thì việc chào bán căn hộ cũng không quá khó khăn.