26/04/2011 1:31 AM
“Tôi không thiếu tiền, nhưng đi kiện vì quá bức xúc. Mua chung cư cao cấp, nhưng sập trần 3 lần, chủ đầu tư thì vẫn làm ngơ. Tôi kiện cũng không đòi nhiều tiền. Chỉ lấy 6.000 đồng tiền cảnh cáo”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại căn hộ 1102, nhà CT6, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc nói.

Với mức thu nhập cao, nhiều người dân sẵn sàng bỏ ra 5 – 6 tỷ đồng để sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp với mong muốn có được một nơi “an cư” tốt. Song không phải nơi nào “đắt” cũng “sắt ra miếng”, nhiều người dân mua chung cư cao cấp đã phải ngậm ngùi vì “tiền mất tật mang”.

Chủ đầu tư đừng “bịp” dân nữa!

Câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại căn hộ 1102, nhà CT6, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội hẳn đã khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người đang sống tại các căn hộ chung cư biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt 3 năm qua. Dẫu vậy, đến nay (4/2011) câu chuyện này vẫn một lần nữa phải nóng trên các mặt báo, đài.

Sức “nóng” của sự việc không chỉ vì ông Hùng là một người nổi tiếng (TS. Nguyễn Mạnh Hùng là Giám đốc Thái Hà Books, một người được mệnh danh là “Tiến sỹ văn hóa đọc”, xuất hiện khá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng), mà có lẽ nó được nhiều người quan tâm đến vì “số lần kỷ lục sập” của trần nhà.


Chung cư nơi ông Hùng đang sống.

Theo thư phản ánh của ông Nguyễn Mạnh Hùng đến báo điện tử VTC News, ngày 10/09/2003, ông Hùng ký hợp đồng với Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (CONTREXIM HOLDINGS) mua lại căn hộ 1102, nhà CT6, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đến ngày 10/08/2009 căn hộ của ông Hùng bị sập mái lần một, sau khi phản ánh thì ông Nguyễn Hồng Quang, Phó giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Quản lý BĐS Contrexim và Triệu Quốc Tài đã đến lập biên bản. Nhưng lập xong thì để đó và vẫn yên lặng không sửa.

Tiếp đó, ngày 09/12/2009 trần nhà ông Hùng lại tiếp tục sập lần 2. Như lần trước, ông Quang và ông Tài lại đến lập biên bản và lại “lập cho có” rồi vẫn không sửa.

Mãi đến tận cuối tháng 1/2011, phía Contrexim mới cho người đến sửa. Nhưng rất đại khái. Kết quả là chỉ sau vài ngày, toàn bộ phần trát lại đã sập xuống hoàn toàn.

“Rất may tôi chưa kê lại giường và chưa về đó ngủ nên không xảy ra chết người hay bị thương”, ông Hùng nói.

Lý do sập trần lần 3, được phía Contrexim đưa ra là “do sơn vội vì bị khách hàng giục”.

Không đồng tình với cách giải thích này, ông Hùng cho rằng, nói vậy là “vô trách nhiệm” vì hai lý do. Thứ nhất, với những sự cố có thể gây nguy hiểm chết người như thế này, không thể vì khách hàng giục mà chủ đầu tư làm qua loa cho xong được. Khách hàng có thể giục vì không hiểu biết, nhưng nhà đầu tư thì không thể biết nguy hiểm mà vẫn làm.

Thứ hai, ông Hùng cho rằng đây chỉ là lý do “bịp” người dân bình thường, còn với những người hiểu biết thì hiểu quá rõ việc sơn vội không thể là nguyên nhân dẫn đến sập trần được.

Mặt khác, điều ông Hùng không đồng tình là hợp đồng mua nhà của ông là ký với Tổng giám đốc Contrexim Holdings, nhưng người làm việc với ông là ông Quang không hề có một giấy tờ ủy quyền nào.

Tiếp tục liên lạc với Contrexim, đề nghị được sửa lại trần lần nữa, ông Hùng chỉ nhận được tin nhắn của ông Quang với nội dung: “Tất cả các công ty, thợ sửa chữa đã nghỉ từ ngày 29/01 riêng thợ sửa chữa thì đã nghỉ từ nửa tháng trước. Ra giêng thợ đi làm em sẽ NHỜ họ sửa cho anh”.

Sợ mất an toàn, nên cả gia đình ông Hùng đã quyết định dọn khỏi căn hộ 1102, CT6 để đi ở chỗ khác. Mới đây, do quá bức xúc vì sự vô trách nhiệm của Contrexim, ông Hùng đã gửi công văn đến Tổng giám đốc Contrexim Holdings và thông báo sẽ khởi kiện nếu đơn vị này không có lời xin lỗi và bản cam kết rõ ràng.

“Tôi kiện không đòi nhiều tiền, chỉ 6.000 đồng. 3 năm không dùng nhà, mỗi năm lấy 1000 đồng, 3 lần sập trần, mỗi lần cũng lấy 1.000 đồng. Tiền tôi không thiếu nhưng kiện để cảnh báo với người dân cả nước về sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, giải thích về việc này, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Contrexim lại đổ lỗi cho khách hàng vì không thu xếp thời gian để người công ty tới sửa.

Trong văn bản gửi đến ông Hùng ngày 8/4 nêu: “Công ty TNHH một thành viên Quản lý bất động sản Contrexim kính đề nghị chủ căn hộ 1102 – CT6 bố trí và sắp xếp thời gian sớm nhất (trước ngày 15/4/2011) để tiến hành sửa chữa”.

Quá bức xúc với cách lý giải này, ông Hùng nói: “Tôi không cần các ông sửa cho xong, tôi cần 1 bản cam kết không sập lần thứ 4 và lời xin lỗi. Thủ tướng Nhật làm sai còn phải đứng trước dân để xin lỗi. Tôi là người có tiếng mà còn thế này, vậy người dân bình thường thì sẽ thế nào?”.

Chung cư cao cấp: Khi người giàu cũng... khóc

Không đến mức phải đi kiện chủ đầu tư như ông Hùng, nhưng không ít khách hàng sống tại các khu chung cư “Vip” cũng đang phải đối mặt với hàng loạt những bất tiện trong sinh hoạt khác.

Bác Hà sống tại nhà 34T, khu Trung Hòa – Nhân Chính kể, mặc dù là được đánh giá là chung cư cao cấp, tiền mua đến hơn 5 tỷ một căn hộ khoảng 100m2, nhưng khi đến ở, gia đình bác Hà vẫn phải mất hơn 200 triệu đồng tiền “tân trang” lại nhà.

Để có được một căn hộ tại khu chung cư Vip, bác Hà phải chen chân, toát mồ hôi mới đăng ký được một suất. Tuy nhiên, lấy nhà xong, bác phải lo thuê người về chát lại tường và trần, các thiết bị vệ sinh trong nhà cũng là hàng “bình dân” nên bác cũng phải thay hết.

“Tôi không tin khái niệm “chung cư cao cấp” mà các chủ đầu tư đưa ra nữa, chỉ là để moi được nhiều tiền của khách hàng, chứ không có một tiêu chuẩn nào để đánh giá cả. Căn hộ cao cấp nhưng nếu không sửa chữa thì cũng khó mà ở được”, bác Hà nhăn nhó.

Còn anh Hưng, ở chung cư Momota (151A Nguyễn Đức Cảnh – Hà Nội) thì than thở về hệ thống thang máy. Nhà anh ở tầng 15, nhưng hầu như sáng nào anh cũng phải chạy thang bộ vì thang máy quá đông người và hay bị “kẹt”.

“Người lớn chạy bộ đã mệt bở hơi tai thì trẻ con chịu sao nổi. Hôm nào dậy muộn quá, thì hai bố con tôi đành phải chạy bộ, không thì cháu sẽ muộn học. Thang máy ở đây khá chật, giờ đi học, đi làm, tất cả mọi người cùng chen vào, nên không đủ chỗ”, anh Hưng nói.

Ngoài ra, tuy là chung cư cao cấp nhưng khu hành lang của tòa nhà khá bẩn. “Nhiều gia đình không có ý thức tập thể, vất rác ra ngay sảnh chơi chung, mùi hôi thối rất khó chịu. Bảo vệ chung thì có khi 2 – 3 ngày mới dọn dẹp một lần”, chị M., sống tại một chung cư cao cấp nói.

Sống tại chung cư, không chỉ người nghèo than, mà có lẽ “người giàu cũng phải khóc” vì chất lượng cũng như dịch vụ tại nhưng nơi này không hề xứng tầm với danh hiệu “cao cấp”.

Tuy bất tiện thế, nhưng nghịch lý ở chỗ, người dân vẫn chen chân nhau đi mua các loại chung cư này. Cung vượt cầu – Phải chăng đó là lý do khiến cho chất lượng các tòa nhà chung cư đang ngày càng một suy giảm?

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến cho giá nhà cao ngất ngưởng, nhưng chất lượng thì “tàm tạm” này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Cen Group từng thừa nhận, ở Hà Nội người dân mua nhà rất thích kiểu “lòng vòng”. Nếu ở TP.HCM các dự án được chào bán công khai, các chủ đầu tư tổ chức những bữa tiệc hoành tráng để mời khách hàng đến tham quan và mua bán, thì ở Hà Nội, nếu tổ chức như vậy sẽ không có khách hàng nào.

“Ở Hà Nội, người dân đã quen với kiểu mua bán lòng vòng, qua mối này, mối nọ. Mua bán khó khăn như vậy, có được nhà mới thể hiện đẳng cấp. Nhưng chính cách giao dịch “ngầm” này đã khiến cho giá nhà tại Hà Nội thường cao hơn so với giá trị thật và chất lượng cũng khó kiểm chứng, đảm bảo được”, ông Hưng nói.

tag: chung cu. sap tran 3 lan, chu dau tu, kien,..

Cafeland.vn - Theo VTC News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.