Theo Cục Thuế Hà Nội, tính đến 1/7/2015 trên địa bàn thành phố có tới 56 dự án bất động sản đang nợ tiền sử dụng đất với tổng số trên 3.000 tỷ đồng. Các dự án này đều tập trung các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông. Trong đó, dự án nợ nhiều tiền sử dụng đất nhất là Khu tổ hợp chung cư cao tầng, biệt thự tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu với số tiền hơn 322 tỷ đồng.
Khu đô thị mới Phú Lương của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt với số tiền lên đến 1.544 tỷ đồng. Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cũng nợ hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án Khu hỗn hợp TTTM, DV công cộng, VP và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi.
Khu chung cư cao tầng và Dịch vụ Phương Đông 62 Nguyễn Huy Tưởng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn (nợ hơn 76 tỷ đồng); dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An - 21 Lê Văn Lương của Tổng công ty Thành An nợ 143 tỷ, tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng (hay còn gọi là Sapphire Palace) của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hà Nội Sông Hồng nợ 10,5 tỷ đồng...
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các dự án có tên trong danh sách nợ tiền sử dụng đất này đều đã được bán trên thị trường. Việc làm này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Bởi chiểu theo Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng. Chính phủ quy định rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện trong đó quan trọng nhất là chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Chính vì vậy, các chủ đầu tư dự án đã cố tình giấu nhẹm khách hàng thông tin liên quan đến tình tình tài chính đặc biệt liên quan đến nợ nần thuế khóa. Theo đại diện một đơn vị phân phối bất động sản lớn, khách hàng đi mua nhà có thói quen nhìn tiến độ công trình xây dựng. Thấy dự án có tiến độ tốt là yên tâm tuyệt đối vào chủ đầu tư mà ít khi kiểm tra xem dự án đã nộp đủ tiền sử dụng đất hay chưa? Trong khi,việc chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách hàng.
Thứ nhất , nếu mua phải những dự án chủ đầu tư chưa nộp đủ tiền sử dụng đất thì khách hàng sẽ khó có thể nhận được sổ đỏ ngay.
Thứ hai , khách hàng sẽ gặp rủi ro nhiều hơn khi mua phải những dự án chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa triển khai xây dựng công trình đúng theo quy định những đã tổ chức bán hàng. Sở dĩ chủ đầu tư phải bán "lúa non" là vì thiếu tiền. Do đó, không loại trừ chủ đầu tư bán hàng để thu tiền nộp tiền sử dụng đất hoặc sử dụng vào việc khác thì khách hàng khó có thể nhận được nhà theo đúng tiến độ cam kết.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại các dự án nợ tiền sử dụng đất lần này, PV ghi nhận tại nhiều dự án, chủ đầu tư chấp nhận bán "lúa non" dự án để huy động vốn. Điều đáng nói, mặc dù doanh nghiệp bán được hàng, có tiền nhưng vẫn không nộp tiền sử dụng đất. Đơn cử, dự án đô thị Phú Lương (Hà Đông), dự án 21 Lê Văn Lương, dự án chung cư 4 Chính Kinh....
Ông Nguyễn Văn Ổn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt cho biết, công ty này đang nợ Nhà nước 1.544 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án đô thị Phú Lương, Hà Đông rộng 43 ha. UBND TP Hà Nội đã ưu ái giãn tiến độ nộp tiền làm 7 quý. Mỗi quý doanh nghiệp phải nộp gần 200 tỷ đồng. Trong số này, doanh nghiệp mới chỉ nộp vài tỷ đồng cho cơ quan thuế. "Do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng thời gian dài khiến doanh nghiệp không thu xếp được tài chính. Hiện tại, doanh nghiệp đang chấp nhận phương án phải cắt đất dự án Phú Lương để trả công cho nhà thầu thi công hạ tầng. Tình hình tài chính rất khó khăn do vậy doanh nghiệp vẫn tiếp tục xin Hà Nội cho giãn nợ " ông Ổn nói.
Hay như chủ đầu tư dự án số 4 Chính Kinh, dự án Diamond Plaza (Hadinco 6), mặc dù đã hoàn thành công trình, đã bán hết căn hộ cho người mua nhà nhưng vẫn không thu xếp tiền nộp tiền sử dụng đất. Chắc chắn, những chủ đầu tư này không thể lấy lý do thị trường khó khăn để lý giải cho hành vi chây ỳ nộp tiền sử dụng đất. Có chăng, họ đang muốn chiếm dụng khoản tiền này để làm việc khác.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế thành phố Hà Nội) cho biết, cơ quan thuế sẽ tiếp tục công khai danh tính các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế trong đó có các doanh nghiệp bất động sản đang nợ tiền sử dụng đất lớn. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ỳ, cơ quan thuế sẽ áp dụng các hình thức cưỡng chế.
"Trước hết, chúng tôi xác định rõ số nợ, tập trung phát hành thông báo nợ, xác định số nợ chậm nộp, trên cơ sở đó thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ như trích tiền từ tài khoản chủ đầu tư. Nếu tài khoản của chủ đầu tư không có tiền thì cơ quan thuế sẽ áp dụng tiếp biện pháp cưỡng chế như thông báo những hoá đơn không có giá trị sử dụng. Tiếp theo đó, nếu chủ đầu tư thu tiền mặt mà không kê khai, cơ quan thuế sau khi cưỡng chế sẽ công khai danh sách các chủ đầu tư nợ trên địa bàn để khách hàng và các đối tác có thể năm bắt được khả năng tài chính của các chủ đầu tư cũng như tình hình chấp hành chính sách thuế với nhà nước" bà Yến cho biết.
VnMedia điểm mặt dự án bất động sản đang nợ tiền sử dụng đất lớn trên địa bàn Hà Nội.
Dự án chung cư 21 Lê Văn Lương, Hà Nội nợ 143 tỷ đồng tiền sử dụng đất
Dự án chung cư Diamond Plaza (Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân)
Dự án chung cư 4 Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội nợ 10 tỷ tiền sử dụng đất
Dự án chung cư tháp doanh nhân số 1 Thanh Bình nợ 21 tỷ tiền sử dụng đất
Dự án đô thị Phú Lương nợ 1.544 tỷ đồng tiền sử dụng đất