Vỡ mộng
Được mở bán với mức giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2, chung cư Đại Thanh đã nhanh chóng gây nên “cơn bão” trên thị trường BĐS. Không chỉ gây sốt với người mua, hiệu ứng giảm giá cũng nhanh chóng lan tỏa toàn thị trường. Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư bàn giao nhà, hàng loạt tranh chấp liên tục xảy ra liên quan đến cách tính diện tích căn hộ, thuế, phí quản lý... của chủ đầu tư.
Tranh chấp lên đến đỉnh điểm vào ngày 26-10 khi hàng trăm dân cư của dự án chung cư Đại Thanh tập trung trước Sàn giao dịch Mường Thanh chăng băng rôn tố cáo chủ đầu tư giao nhà thiếu diện tích và đề nghị được đối thoại với ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu.
Theo phản ánh của khách hàng, chủ đầu tư đã nhập nhèm trong việc tính diện tích căn hộ. Một số căn hộ được tính từ tim tường đối với tường chung giữa các căn hộ, tính phủ bì đối với tường bao ngoài, cột, hộp kỹ thuật và tường chịu lực.
Một số căn hộ khác lại được tính từ tim tường chung và tim tường bao ngoài khiến diện tích căn hộ trên hợp đồng mua bán bị vênh 3-5m2 so với thực tế. Chính vì vậy, hàng trăm khách hàng đã yêu cầu chủ đầu tư cần phải tính lại diện tích căn hộ và giảm 50% thuế VAT theo Thông tư 141 vừa ban hành. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã từ chối đối thoại dẫn đến xô xát và một số khách mua nhà đã bị thương.
Tình hình căng thẳng đến mức Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có Công văn 2276/BXD-QLN gửi UBND TP Hà Nội đề nghị TP chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện dự án, có văn bản báo cáo trước ngày 10-11.
Trước đó, giải thích về việc 1 dự án có đến 2 loại hợp đồng, ông Lê Thanh Thản cho rằng “chung cư CT6 và một số ở dự án Đại Thanh có 2 loại hợp đồng là do sai sót trong khâu đánh máy. Doanh nghiệp có quá nhiều dự án, không có thời gian để thống kê bao nhiêu hợp đồng "đánh máy sai". Còn việc người dân thích khiếu kiện cứ tiến hành”.
Cần cẩn trọng
Trên thực tế, ngoài chung cư Đại Thanh, thị trường BĐS Hà Nội còn xuất hiện rất nhiều dự án nhà ở thương mại giá rẻ. Có thể kể đến CT1B Tân Tây Đô, CT12 Văn Phú, Nam Xa La, The Sun Garden hay An Bình Tower, Phúc Thịnh Tower, Kim Văn- Kim Lũ…
Những dự án này đều có mức giá 10-15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS, cũng giống như các chung cư bình thường khác, các dự án nhà giá rẻ rất dễ phát sinh nhiều vấn đề, vì vậy người dân cần thận trọng tìm hiểu, không nên chỉ quan tâm đến mức giá.
Tòa CT12A Kim Văn Kim Lũ.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhu cầu về nhà ở của người dân lớn đến mức nhiều khi chỉ quan tâm đến giá cả vừa túi tiền với mình mà không để ý đến chất lượng của dự án thế nào, tiến độ công trình ra sao, chủ đầu tư có uy tín không. Đến khi xảy ra tranh chấp mới vỡ lẽ tưởng mua được giá rẻ nhưng hóa ra không hề rẻ. Trong khi đó, số tiền 500-600 triệu đồng so với thu nhập của người có thu nhập thấp là số tiền không hề nhỏ.
Mặt khác, một số doanh nghiệp BĐS cũng từng cảnh báo tình trạng “tiền nào của đó” không phải không chính xác với các dự án nhà ở giá rẻ. Bởi lẽ để có thể đưa được mức giá xuống thấp nhất, nhiều chủ đầu tư sẽ chấp nhận xây dựng căn hộ ở mức chất lượng vừa phải, xa khu trung tâm.
Điều này đã được chứng minh khi 1 chủ đầu tư đã khẳng định mức giá cao sẽ xây căn hộ chất lượng 5 sao, mức giá thấp hơn sẽ là chất lượng 3 sao. Hoặc một số dự án nhà ở thu nhập thấp đã bị người dân phản ứng đòi trả lại nhà khi chất lượng ở quá tệ, tình trạng thấm dột, tường nhà bị nứt…
Chính vì vậy người dân mua nhà cũng không nên đặt kỳ vọng ở ngưỡng quá cao đối với các dự án nhà ở giá rẻ. Một số chuyên gia BĐS cũng khuyến nghị người dân có thể chọn mua những dự án đã được hoàn thiện, thay vì vẫn đang đóng tiền theo tiến độ, giá tuy cao hơn nhưng chất lượng dự án có thể được kiểm định và cũng không lo việc tiền đã chi nhưng nhà không thấy.
Những tranh chấp xảy ra liên tiếp thời gian gần đây cho thấy người mua nhà phải cân nhắc và thận trọng, kỹ lưỡng trong việc chọn mua các căn hộ giá rẻ. GS. Đặng Hùng Võ |