Không được mua nhà sở hữu Nhà nước, hơn 400 hộ dân đang sống tại chung cư Hòa Phong, khu 15, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có nguy cơ bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào.

Đi không được, ở không xong, người dân lo lắng vì nhà ở xuống cấp, đã nhiều lần các hộ kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ mong sớm có hướng giải quyết để người dân ổn định cuộc sống.

Một góc khu chung cư Hòa Phong. Ảnh: dce.mpi.gov.vn

Xuống cấp nghiêm trọng

Khu chung cư Hòa Phong có 6 khối nhà 5 tầng được xây dựng từ năm 1971 để làm nơi ở cho cán bộ công nhân nhà máy dệt Vĩnh Phú (cũ).

Hiện nay, hơn 400 hộ sống tại đây chủ yếu là cán bộ công nhân nhà máy dệt đã nghỉ chế độ thuộc diện được phân nhà, đời sống hết sức khó khăn. Gần 40 năm nay, các hộ vẫn phải trả tiền thuê nhà để được "ở trọ" trong ngôi nhà mình đã gắn bó gần cả cuộc đời...

Ông Nguyễn Đức Thái, ở tầng 2, dãy nhà T4 cho biết: Cách đây không lâu, gia đình ông rất lo sợ khi cả mảng trần xi măng cốt thép nặng đến nửa tấn ngoài hành lang bỗng nhiên sập xuống.

Theo ông Thái, 6 khối nhà tập thể này được nhà nước xây dựng từ năm 1971 để cấp cho cán bộ, công nhân viên nhà máy dệt Vĩnh Phú (cũ) làm nơi ở. Kinh phí xây dựng được lấy từ quỹ phúc lợi và tiền đóng góp của cán bộ, công nhân viên nhà máy.

Tuy nhiên, sau khi Nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp, nhất là từ sau năm 1993, các hộ không những không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà ngược lại, họ còn bị nhà máy thu hồi lại giấy phân nhà do nhà máy cấp trước đó, đồng thời phải nộp tiền thuê nhà, tiền điện hàng tháng theo giá kinh doanh.

Bà Hà Thị San, công nhân nhà máy dệt đã nghỉ hưu, hiện sống trong căn hộ 24 m2 được Nhà nước cấp gần 40 năm trước nói: Không có "bìa đỏ", chúng tôi không đủ điều kiện thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất; xin mua để cơi nới, sửa chữa cũng không được và phải nộp tiền hàng tháng theo giá thuê nhà.

Nguyện vọng của các hộ dân là được mua lại căn hộ đang ở theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ. Nhưng nhiều năm qua, nguyện vọng này vẫn chưa được giải quyết. Các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Trong khi đó, do được xây dựng đã lâu, rất nhiều hạng mục công trình của khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo người dân, khu chung cư Hòa Phong đang được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Công ty TNNH một thành viên Quản lý quỹ nhà ở và kinh doanh bất động sản Phú Thọ quản lý. Đến thời điểm này, mức thu đối với mỗi căn hộ rộng 24 m2 là khoảng 180.000 đồng/tháng.

Mỗi tháng, công ty này thu hàng trăm triệu đồng của các hộ dân sống ở khu chung cư. Bên cạnh đó, toàn bộ sân vườn hoa khu nhà T5, T6 rộng cả ngàn mét vuông, hàng chục năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Phú Thọ đã cho thuê để họp chợ.

Khu nhà vệ sinh do một dự án tài trợ xây dựng phục vụ người dân cũng bị công ty lấy làm chỗ cho thuê trông giữ xe, làm kho chứa hàng hóa; sân, gầm cầu thang cũng được che bạt cho thuê kinh doanh đủ loại hàng hóa. Nhà sinh hoạt cộng đồng cũng được công ty tận dụng để sử dụng làm nơi thu tiền nhà, tiền chợ...

Những hộ dân ở tầng 1 được công ty cho phép cơi nới để kinh doanh, hàng tháng nộp tiền thuế cho công ty. Như vậy, trong cả chục năm nay, số tiền mà công ty thu được không phải là nhỏ. Vậy mà, từ nhiều năm nay, công ty lại không thực hiện việc duy tu, sửa chữa cho các khối nhà đã xuống cấp này.

Dự án “treo”

Theo Sở Xây dựng Phú Thọ, nhà chung cư 5 tầng Hòa Phong không đủ điều kiện để bán cho các hộ dân theo quy định vì công trình đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, khối nhà chung cư 5 tầng Hòa Phong có thiết kế căn hộ không khép kín, một số hộ tự cải tạo, sửa chữa thành căn hộ khép kín nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên không đủ điều kiện mua nhà theo quy định.

Để ổn định chỗ ở cho các hộ đang thuê nhà tại chung cư Hòa Phong, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ nhà ở và kinh doanh bất động sản Phú Thọ sớm triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp để bán và cho thuê, nhằm thực hiện việc tái định cư cho các hộ dân đang thuê.

Các hộ sẽ được xem xét và hỗ trợ giá mua nhà trên cơ sở hợp đồng thuê nhà các hộ ký. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, công ty vẫn chậm triển khai dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo các hộ dân sống tại khu chung cư Hòa Phong, nếu phá dỡ 6 đơn nguyên nhà 5 tầng cũng là sự lãng phí lớn, ước tính thiệt hại lên đến cả trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, để triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn rất lớn.

Với nguồn thu chính vẫn chỉ trông chờ vào khoản thu tiền thuê nhà của người dân, thì đến bao giờ dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp mới được triển khai?

Bên cạnh đó, còn hàng loạt các hệ lụy khác phát sinh cần phải giải quyết khi mà phần lớn các hộ dân sống tại khu chung cư này đều là những hộ nghèo, không có khả năng mua nhà của dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp và các khoản chi phí thuê nhà khác.

Tỉnh Phú Thọ cần cân nhắc, xem xét giải quyết thấu đáo cho các hộ dân ở chung cư Hòa Phong.

Đào An - Quang Sáng (Báo tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.