Nhiều chung cư cũ, tuổi thọ công trình cao, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng người dân vẫn sinh sống bên trong với điều kiện sinh hoạt rất khó khăn và nguy hiểm. Những khối chung cư rệu rã, tường bao nứt nẻ bong tróc xi măng, để lộ những thanh sắt hoen rỉ, mục nát. Bên trong thì dột nát, ẩm thấp, một số hộ đã di chuyển ra ngoài sống khiến chung cư càng trở nên hoang tàn.
Lơ lửng trước thần chết
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) được khởi công xây dựng từ năm 1966, gồm 6 tòa nhà 13 tầng với 530 phòng. Nửa thế kỷ trước, đây là một trong những tòa nhà hiện đại, lớn nhất Sài Gòn. Khoảng năm 2000, chung cư bắt đầu xuống cấp nặng, khó trùng tu, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Năm 2008, UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương di dời người dân ra khỏi chung cư này. Theo đó, hạn chót để di dời là ngày 30-4-2008. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay, chung cư vẫn có hơn 100 hộ dân còn đang sinh sống. Những hộ dân này chưa di dời khỏi chung cư do khúc mắc trong giấy tờ chủ quyền và thủ tục chuyển đổi tái định cư.
Trong số 530 hộ dân, đa số đã được tái định cư và nhận tiền bồi thường tự tìm nơi ở mới, còn lại khoảng 70 hộ ở rải rác từ tầng 1 đến tầng 11. Tất cả được cấp điện, nước sinh hoạt bình thường. Phải thừa nhận rằng họ thực sự can đảm khi chấp nhận bám trụ ở trong một tòa nhà đã tới tuổi “răng rụng” này.
Theo kế hoạch, cuối năm 2013 phải hoàn thành di dời nhưng đến nay chưa có động tĩnh gì. Nếu có sự cố gì xảy ra không biết sinh mạng của hàng trăm con người ở đây sẽ ra sao. Lần theo lối thang bộ, không khó để nhận ra hàng trăm vết nứt, bong tróc xi măng, lòi cả khung sắt trên tường.
Nước thải sinh hoạt từ các hộp gen rỉ thấm bốc mùi hôi khó chịu. Thang bộ thoát hiểm bằng sắt bị rào kín do đã mục nát, rất nguy hiểm. Khung cảnh hoang tàn, u ám hơn khi bước vào những căn hộ đầy rác thải mà người dân bỏ lại sau khi di dời. “Sống ở đây quá khổ vì phải leo thang bộ hàng ngày, nhất là các hộ sống ở tận tầng 10-11. Chúng tôi luôn đóng kín cửa vì sợ kẻ xấu trà trộn” - một hộ dân chia sẻ.
Hoang mang
Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đã đề nghị UBND quận Tân Bình khẩn trương di dời 6 chung cư xuống cấp trên địa bàn. 6 chung cư này gồm chung cư 3-3A Phú Hòa, 47 Long Hưng, 137 Lý Thường Kiệt, 149-151 Lý Thường Kiệt (phường 7), chung cư 40/1 Tân Phước, 170-171 Tân Châu (phường 8).
Chung cư 47 Long Hưng có tổng cộng 28 căn, được Bệnh viện Thống Nhất cấp cho cán bộ, công nhân viên. Chung cư này được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước. Do công trình xây dựng theo kiểu nhà nghỉ nên lối đi rất hẹp, diện tích mỗi phòng khoảng 20m2. Sau thời gian dài cải tạo, sử dụng, chất lượng chung cư 47 Long Hưng nay không còn đảm bảo an toàn. Nhiều vị trí trong tòa nhà xuất hiện vết nứt, thấm dột, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm.
Tương tự, chung cư 40/1 Tân Phước gồm 3 block, quy mô 1 trệt, 3 lầu gồm 101 phòng hiện cũng đang liệt vào danh sách chung cư nguy hiểm mức D. Chung cư này do một người Hoa xây dựng, kinh doanh nhà nghỉ, mỗi phòng rộng 20m2. Sau giải phóng miền Nam, công trình giao cho Trường Đại học Bách khoa cấp cho cán bộ, nhân viên sử dụng và hiện do quận Tân Bình quản lý.
Theo quan sát, ngoài biểu hiện nứt, thấm nước, vấn đề được đặc biệt quan tâm ở đây là không có lối thoát hiểm, trong khi vây quanh chung cư là những ki-ốt ở tầng trệt mặt tiền đường kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa dễ xảy ra cháy nổ. 101 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu đang sử dụng một lối ra đường Tân Phước rộng chừng 2m. Bên trong hành lang chung cư, xe máy xếp chật cứng. Hồ nước sinh hoạt bị thấm, ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe hàng chục năm nay nhưng chưa thể khắc phục.
Chung cư 40.1 Tân Phước, quận Tân Bình được xếp vào danh sách chung cư nguy hiểm cấp D. Ảnh: Minh Tuấn
Qua tìm hiểu, các hộ dân tại chung cư Long Hưng hay Tân Phước dù được cấp mấy chục năm qua, song chưa thể hoàn thành các thủ tục mua nhà hóa giá theo Nghị định 61 vì lý do công trình xuống cấp nặng. Đây là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá bồi thường sau này.
Bà Dương Thị Hoàng (phòng 6 lầu 2 chung cư 47 Long Hưng, cán bộ về hưu Bệnh viện Thống Nhất), cho biết: “Tháng 6-1985, Bệnh viện Thống Nhất đã cấp căn phòng trên cho tôi sử dụng cho đến nay. Năm 2006, tập thể cư dân ở đây có kiến nghị quận Tân Bình xem xét làm thủ tục bán hóa giá nhà theo Nghị định 61. Tuy nhiên, sau khi kiểm định, chất lượng công trình chưa tới 60%, không đảm bảo an toàn, nên quận Tân Bình nói không thể bán nhà theo Nghị định 61”.
Gần đây thông tin Sở Xây dựng đề nghị di dời chung cư khiến gia đình bà Hoàng hết sức hoang mang. “Nếu chính quyền có kế hoạch di dời, xây dựng mới chung cư 3-3A Phú Hòa và chung cư 47 Long Hưng, nên xây mới chung cư 3-3A trước để chúng tôi có điều kiện tạm cư. Còn nếu giải tỏa, chính quyền phải nói dứt khoát bao giờ triển khai, đền bù như thế nào, tái định cư với mức giá ra sao” - bà Hoàng nói.
Cùng cảnh ngộ với bà Hoàng, căn hộ rộng khoảng 20m2 của ông Phùng Văn Lợi (phòng 2.21 chung cư 40/1 Tân Phước), cũng bị từ chối làm thủ tục bán nhà theo Nghị định 61. “Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 20m2 mới hợp thức hóa mà chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Giải tỏa rồi Nhà nước sẽ đền bù được bao nhiêu đây. Liệu số tiền đó chúng tôi có đủ để mua nhà tái định cư hay đi nơi khác mua nhà, có được hưởng định mức ưu đãi gì đối với 20m2 đang sử dụng? Gia đình tôi và hàng trăm hộ dân ở đây đang chờ thông báo và câu trả lời chính thức từ chính quyền” - ông Lợi bày tỏ lo lắng trước thông tin sẽ bị giải tỏa.
Theo ông Lợi, người dân rất ủng hộ chủ trương cải tạo chung cư cũ, xây mới để chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng trong quá trình thực hiện, cần lưu ý kêu gọi chủ đầu tư có thực lực, triển khai dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, cần bố trí tái định cư tại chỗ cho những trường hợp đủ điều kiện nhằm tránh sự xáo trộn trong công việc và điều kiện học hành của con cái.