Cụ thể, các công trình nhà tập thể, chung cư có quy mô từ 2 đến 5 tầng được xây dựng phổ biến tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Việt Trì,... thường sử dụng các dạng kết cấu chịu lực như: tường xây gạch, khung bê tông cốt thép, kết cấu lắp ghép tấm lớn. Đa số các công trình đã qua sử dụng nhiều năm và hầu như không được bảo trì cho nên nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng.
Chung cư cũ có nguy cơ sập đổ khi có động đất. Ảnh: Internet
Các dạng hư hỏng thường thấy như: lún, lún nghiêng, nứt vỡ cấu kiện, ăn mòn cốt thép, mối nối bị gỉ và ăn mòn, thấm dột... Mặt khác, trong quá trình sử dụng đã trải qua nhiều lần sửa chữa cải tạo tùy tiện cũng làm suy giảm khả năng chịu lực và khả năng kháng chấn. Nhiều công trình được xếp vào nhóm nhà nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ khi có động đất.
Còn các công trình nhà chung cư, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, công trình công cộng xây dựng từ năm 2006 đến nay đều được thiết kế kháng chấn. Đa số các công trình được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được duyệt. Tuy nhiên, tại một vài công trình, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát chưa thực hiện nghiêm túc các chi tiết cấu tạo kháng chấn.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng nằm trong vùng có động đất như: Các bộ, Ngành, địa phương cần chủ động rà soát, kiểm tra khả năng kháng chấn đối với các công trình xây dựng trong vùng động đất, công trình đã quá tuổi thọ theo thiết kế, sử dụng quá tải hoặc bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng.
Yêu cầu các chủ đầu tư, sử dụng phải thường xuyên bảo trì công trình theo đúng quy định. Trong trường hợp có sửa chữa, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng cần xem xét đánh giá lại khả năng kháng chấn của công trình.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ động phối hợp với các Bộ có quản lý ngành về công trình xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kháng chấn....