Giá tiếp tục giảm, ít giao dịch
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 6 tháng qua, giá bất động sản tại các TP lớn tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng lượng giao dịch vẫn còn thấp. Giao dịch căn hộ cao cấp, nhà thấp tầng, đất nền nói chung không có biến động nhiều.
Riêng đối với phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá cả hợp lý, vị trí thuận lợi và nhà ở đã hoàn thiện vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
Diễn biến thị trường cho thấy lượng giao dịch đối với đất nền rất ít (ảnh: Thái Linh)
Tại Hà Nội, một số dự án, chủ đầu tư tiếp tục áp dụng gói sản phẩm bán nhà xây thô và để người mua tự hoàn thiện nội thất để hạ giá thành. Giao dịch đã tăng đối với phân khúc căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2 hoặc một số ít dự án có giá bán trên 20 triệu đồng/m2 nhưng đã xây dựng xong hoặc chuẩn bị bàn giao như: Dự án Hòa Bình Green City tại Minh Khai có giá bán từ 20,5 đến 22,5 triệu/m2 ; Dự án Hà Đô Park View tại Từ Liêm có giá khoảng 22,5 triệu/m2 ; Dự án CT3B Khu đô thị Cổ nhuế của Tập đoàn Nam Cường có giá bán từ 22-23triệu/m2 ; dự án Rain Bow Linh Đàm có giá bán khoảng 18,5triệu/m2 ; Dự án Sky Gardent tại Định Công-Hoàng Mai có giá bán 17-19triệu/m2.
Trong khi đó, giá đất nền tại các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở không có sự biến động nhiều so với thời điểm Quý I/2013 do giá đã giảm nhiều từ trước đó.
"Diễn biến thị trường cho thấy lượng giao dịch đối với đất nền rất ít, nguyên nhân cơ bản là do các dự án có vị trí xa trung tâm và hạ tầng không đồng bộ, giá trị giao dịch vượt khả năng thanh toán của người dân" - báo cáo cho hay.
Tại TPHCM, các dự án nhà ở có giá thấp, lượng giao dịch cũng tăng hơn so với thời gian trước. Người mua nhà đã bắt đầu tham khảo giá và xem xét việc mua nhà phân khúc căn hộ dưới 1 tỷ đồng.
Tính chung cả nước đang tồn hơn 27.000 căn hộ, trong đó riêng Hà Nội tồn 9.651 căn hộ/nhà ở và TP. HCM là gần 13.000 căn hộ/nhà ở.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 6, tổng giá trị tồn kho bất động sản là hơn 108.000 tỷ đồng, giảm 15,4% so với Quý I/2013. Còn tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này là 237.509 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2012, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 6,53%.
Báo cáo nhận định, tình hình tín dụng bất động sản hiện nay so với thời điểm 31/12/2012 đã bắt đầu có sự chuyển biến và tăng trở lại.
Trước kia,để bảo toàn vốn,các ngân hàng thương mại không dám cho vay hoặc nếu cho vay thì lãi suất cao các doanh nghiệp cũng không dám vay. Sang Quý II năm nay, để đáp ứng nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu cho vay trở lại đối với các danh nghiệp làm ăn ổn định, các dự án đảm bảo tiến độ, lãi suất cho vay hiện đang ở mức 11-13%.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các ngân hàng thương mại vẫn chỉ cho vay đối với khách hàng tiềm năng, có tài sản đảm bảo, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn.
Giải phóng mặt bằng dưới 30% phải dừng dự án
Tại buổi làm việc sáng 9/8 tại Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhưng vẫn còn lớn, tiêu thụ khó khăn và tín dụng tăng trưởng thấp.
"Việc triển khai chuyển đổi sang phân khúc thị trường nhà ở xã hội ở các dự án chưa đạt được tiến độ và số lượng như yêu cầu, chưa thực sự phá băng được thị trường bất động sản" - Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu, việc điều hành chính sách tiếp tục hướng tới mục tiêu đa dạng hơn nữa nguồn cung, chủng loại căn hộ/nhà ở phù hợp; các cơ quan rà soát từng dự án nhà ở trong thời điểm hiện nay để gỡ vướng cho nhà đầu tư cũng như người mua.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay với đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở trong gói 30.000 tỷ...
Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ kiến nghị với Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp nhằm giảm cung nhà ở thương mại.
Cụ thể là tạm dừng không triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang đạt dưới 30% diện tích của dự án tại tất cả các địa phương trên cả nước theo danh mục mà các tỉnh đã báo cáo.
Đối với các địa phương có ít dự án, trong khi vẫn có nhu cầu cấp bách về nhà ở thì báo cáo Thủ tướng để cho phép tiếp tục triển khai.
Với các dự án đã giải phóng mặt bằng trên 70%, đang thi công xây dựng dở dang, cho phép cơ cấu lại dự án theo hướng tăng căn hộ diện tích nhỏ dưới 70m2 và giá bán (dưới 15 triệu đồng /m2 ), cho phép một số dự án chuyển công năng từ nhà ở sang nhà dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại mà thị trường có nhu cầu; lựa chọn một số trong các dự án này để chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì yêu cầu địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm (chuyển mục đích tạm thời: bãi đỗ xe, kho tàng...) không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.