Hình minh họa
Băn khoăn mở rộng đối tượng kinh doanh bất động sản
Thay mặt Ban soạn thảo trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Dự thảo Luật đã mở rộng các quy định kinh doanh bất động sản hơn so với luật hiện hành.
Cụ thể, theo Dự thảo Luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi mở rộng quyền kinh doanh bất động sản cho người nước ngoài mà không kiểm soát được. “Nếu chưa kiểm soát được thì chưa nên mở rộng”, ông Phúc đề nghị.
Một điểm mới khác là Dự thảo Luật đã mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc giữ như quy định của luật hiện hành, không nên mở rộng, vì dễ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần có quy định rõ để người tham gia dự án có quyền giám sát quá trình hình thành bất động sản trong tương lai.
Ngoài ra, một quy định cũng còn nhiều ý kiến trái chiều là Dự thảo Luật đã bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bất động sản cũng là một loại hàng hóa, hàng hóa giao dịch qua sàn là sự phát triển bậc cao của kinh tế thị trường.
“Chỉ có giao dịch qua sàn mới bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả chủ đầu tư và khách hàng, bởi hàng hóa giao dịch trên sàn đã có sự thẩm định, thẩm tra về chất lượng”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội
Tại phiên họp góp ý xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ quy định những nội dung đặc thù về nhà ở mà luật khác không điều chỉnh. Chẳng hạn như việc phát triển nhà ở, các quyền về nhà ở của người dân, quan hệ mua bán, trao đổi, cho thuê, thế chấp... dưới góc độ quan hệ dân sự, tiếp tục rà soát để sửa đổi những nội dung chưa phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định, Quỹ phát triển nhà ở xã hội là tổ chức tài chính nhà nước của địa phương, do UBND cấp tỉnh thành lập, để hỗ trợ vốn cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội và các đối tượng được tham gia phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn hình thành quỹ này gồm vốn thu từ 10% tiền sử dụng đất của địa phương, vốn từ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, vốn ngân sách địa phương cấp hàng năm cho Quỹ, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái, tiền gửi tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo ông Hiển, hiện nay đang có quá nhiều loại quỹ khác nhau làm phân tán nguồn lực phát triển. Vì vậy, cần hạn chế bớt một số quỹ, nhất là các quỹ có sử dụng ngân sách nhà nước.
“Cần phân tích sự có mặt của Quỹ khác với sự tham gia của Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay vốn để làm nhà”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị.
Liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Dự thảo Luật cũng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Nhưng theo ông Hiển, cần có quy định chặt chẽ về các đối tượng được hưởng chính sách, nếu quy định quá chung chung, sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính trong quá trình thực hiện, bởi đối tượng trong diện này là rất lớn.