Cầu Ông Nhiêu hiện nay
Hai lần bị giải tỏa
Đường Nguyễn Duy Trinh nối đường Vành Đai 2 với xa lộ Hà Nội, luôn tấp nập xe cộ. Những năm gần đây, tuyến đường này có nhiều xe tải lớn lưu thông. Trong khi cầu Ông Nhiêu cũ vừa chật hẹp vừa yếu, thường bị rung mạnh mỗi khi xe tải lớn chạy qua. Do vậy, việc xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ là rất cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, khi xây dựng cầu mới, có nhiều người dân gửi đơn khiếu kiện.
Ông Phạm Thanh Trướt (cán bộ hưu trí, nhà số 1010B) phản ánh: “Xây cầu mới ai cũng muốn, nhưng người dân diện giải tỏa đã phải gửi đơn đến Giám đốc Sở Giao thông Vận tải để khiếu nại, do cầu mới xây lên đã xâm phạm tài sản chính đáng của người dân và lãng phí tài sản công”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (nhà số 1010) nói: “Việc xây dựng cầu mới làm chưa đúng quy định pháp luật. Gia đình tôi đã là nạn nhân của cách làm việc tùy tiện này. Hơn 20 năm trước, khi cầu Ông Nhiêu xây dựng bằng sắt bị hư hỏng, TPHCM có chủ trương xây dựng lại cầu mới ngay vị trí cầu cũ, nhưng chủ đầu tư đã dịch chuyển vị trí cầu 9m so với vị trí cũ, khiến toàn bộ nhà đất phía này bị giải tỏa. Nay xây dựng cầu mới, lại tiếp tục dịch chuyển về hạ lưu, nhà đất của nhiều hộ dân lại bị giải tỏa lần nữa”.
Điều khiến người dân bức xúc là trong khi nhiều hộ lại bị giải tỏa nhà lần thứ hai, thì đất đai tại vị trí đường dẫn cầu sắt cũ vẫn không được khai thác, sử dụng đúng mục đích, nhiều người chiếm dụng làm nhà trái phép. Ở hai đường dẫn đầu cầu phía phường Phú Hữu và Long Trường đều có những công trình tường gạch, mái tôn mọc lên.
Xem nhẹ tài sản của dân
Năm 1997, trước khi xây dựng cầu thay thế cầu sắt cũ, Trung tâm Tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ xây dựng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã khảo sát thực tế và đưa ra 2 phương án.
Với phương án 1, cầu đặt ở vị trí cũ có ưu điểm tuyến đường thẳng, chi phí cho việc làm đường dẫn và đền bù giải tỏa nhỏ nhất; nhược điểm là khi xây dựng cầu mới phải tháo dỡ cầu cũ, cần xây dựng cầu tạm, cầu phao hoặc cầu vượt.
Phương án 2, cầu đặt ở vị trí mới về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 15m, có ưu điểm là khi xây cầu mới vẫn sử dụng cầu cũ, không phải làm cầu tạm; nhược điểm, bị uốn tại vị trí đầu cầu, mỹ quan bị ảnh hưởng, chi phí đền bù tăng. Với ưu điểm vượt trội của phương án 1, năm 1998, cầu Ông Nhiêu được TPHCM cho xây dựng theo Quyết định 1879/QĐ đặt “tại vị trí cầu hiện hữu”.
Quyết định là vậy, nhưng khi thi công, cầu mới không nằm ở vị trí cũ mà dịch chuyển về hạ lưu so với vị trí cầu cũ 9m. Sự dịch chuyển này đã khiến nhiều nhà cửa của người dân vốn không nằm trong diện giải tỏa nay bị di dời.
Theo biên bản cuộc họp ngày 10-9-1999, giữa chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công, lý do chuyển vị trí cầu mới đi 9m về phía hạ lưu là do “khối lượng bổ sung thấp hơn giá trị xây dựng bến phà tạm, tiết kiệm được thời gian phá dỡ cầu cũ, giao thông thuận lợi hơn”. Như vậy, chỉ nhằm có lợi cho đơn vị thi công, công trình xây dựng cầu đã dịch chuyển vị trí, khiến nhiều hộ dân phải bị tháo dỡ để lấy đất xây dựng công trình.
Gần 20 năm sau, cầu Ông Nhiêu lại được xây dựng mới với quy mô lớn hơn, diện tích giải tỏa rộng hơn. Nhưng, thay vì cầu Ông Nhiêu mới được đặt lại ở vị trí cầu sắt cũ, trên phần đất công đang bị bỏ trống, để đảm bảo tuyến đường thẳng, chi phí làm đường dẫn và đền bù giải tỏa nhỏ nhất; thì lại tiếp tục dịch chuyển về hạ lưu, khiến nhà đất của nhiều hộ dân lại bị giải tỏa lần nữa. Mong rằng Sở Giao thông Vận tải TPHCM xem xét lại việc bất hợp lý này.