Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cam kết sẽ tài trợ vốn cho dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, nhưng vẫn chưa "chốt" thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng cũng như giải ngân vốn cho dự án này.

Ngân hàng cam kết cho vay nhưng chưa chốt được thời điểm ký hợp đồng tín dụng và thời gian giải ngân vốn. Trong ảnh là công nhân đang thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó, vốn thực hiện dự án gồm, vốn tự có của chủ đầu tư, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của chủ đầu tư dự án thời gian qua gặp không ít khó khăn, vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận và Ngân hàng cam kết tài trợ vốn (dẫn đầu là VietinBank) đã tổ chức cuộc họp ở Tiền Giang vào chiều hôm nay, 7-8, để tháo gỡ khó khăn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Tần, Ủy viên Hội đồng quản trị VietinBank nhấn mạnh, đơn vị này cam kết đầu tư tín dụng cho dự án. “Minh chứng cho điều này là chúng tôi đã chủ động mời các ngân hàng đồng tài trợ cho dự án và đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận từ tháng 6-2018”, ông cho biết và nói rằng VietinBank cam kết cho vay khoảng 50% tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên, theo ông Tần, do dự án chậm tiến độ và có quá nhiều những vướng mắc nên việc giải chưa thực hiện được.

Cụ thể, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, một trong những liên danh chủ đầu tư cũ của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là Tập đoàn Yên Khánh đã vướng vào một vụ án hình sự, cho nên, sau đó dự án đã có sự cơ cấu lại các nhà đầu tư.

Ngoài ra, sau khi thay đổi chủ đầu tư, thì phương án tài chính của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cũng đã có sự điều chỉnh, trong đó, có những điều cơ bản trọng yếu như: tổng mức đầu tư thay đổi (từ 9.668 tỉ đồng lên 12.668 tỉ đồng), mức phí, vấn đề hỗ trợ nhà nước... “Vì vậy, các tổ chức tín dụng thống nhất cần thẩm định lại”, ông Tần cho biết.

Theo đó, quan điểm đã được các tổ chức tín dụng cam kết tài trợ vốn thống nhất, đó là về cơ cấu nguồn vốn tài trợ, thì UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.668 tỉ đồng. Tuy nhiên, phương án các nhà tài trợ đưa ra khác hơn một chút so với phương án của công ty lập. “Cái này tôi nói luôn, về cơ bản chúng tôi căn cứ vào hợp đồng đã ký năm 2018 và chuyển sang hợp đồng này trên cơ sở các điều kiện thay đổi, chứ không thêm các điều kiện gây khó khăn cho công ty BOT”, ông Tần cho biết.

Cụ thể, theo ông Tần, nguồn tài trợ đơn vị này dự kiến: tổng mức đầu tư là 12.668 tỉ đồng (bao gồm VAT), thì vốn tự có của chủ đầu tư là 3.800 tỉ đồng (theo đúng tỷ lệ 30%); còn lại là vốn vay và vốn ngân sách nhà nước, thì trong 8.868 tỉ đồng (chiếm 70%), vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỉ đồng (chiếm 17,2%) và số tiền cho vay của các tổ chức tín dụng là 6.682 tỉ đồng (chiếm hơn 52%). “Để dự án có hiệu quả, theo tôi nguồn vốn chủ sở hữu và huy động khác của nhà đầu tư không thấp hơn 30%”, ông đề xuất và nói rằng đây là quy định không mới vì trong hợp đồng đã ký năm 2018 cũng cam kết 30%.

Như nêu ở trên, do tổng mức đầu tư dự án tăng lên, cho nên, ông Tần đề nghị, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cũng phải đảm bảo 30% vốn so với tổng mức đầu tư. “30% này VietinBank cũng đã báo cáo trong cuộc họp ngày 30-7-2019 và cũng được Thủ tướng thống nhất”, ông nói và cho rằng vốn chủ sở hữu càng lớn, thì hiệu quả dự án càng cao.

Ngoài ra, ông Tần cũng đề nghị thời gian cho vay phải thấp hơn thời gian hoàn vốn của dự án (thời gian hoàn vốn dự án dự kiến là 14 năm 8 tháng 12 ngày). “Còn dòng tiền, chúng tôi yêu cầu trước hết phải ưu tiên trả nợ cho các tổ chức cho vay”, ông đề nghị.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không để ngân hàng thương mại vì thiếu vốn mà không cho dự án vay. “Ngân hàng nhà nước chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đủ vốn cho dự án thông qua ngân hàng thương mại, nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn”, ông cho biết.

Ông Tú đề nghị, ngân hàng cam kết tài trợ vốn cùng với với Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận bàn cách tháo gỡ vướng mắc theo hướng không đặt ra quy định 30% (chủ đầu tư bỏ ra 30% vốn so với tổng mức đầu tư-PV) là điều kiện tiên quyết để cho vay. “Theo anh Hoàng (ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, một trong những liên danh thưc hiện dự án- PV) nói 2.186 tỉ đồng không tín vào tổng mức đầu tư vì nó là vốn nhà nước, còn lại hơn 10.400 tỉ, thì ông Hoàng có 2.900 tỉ đồng, tức chỉ đạt gần 30% tổng vốn dự án, thì cũng không nên đặt con số 30% là con số tiên quyết để nhằm tháo gỡ cái này”, ông Tú đề nghị.

Còn về thời hạn trả nợ, theo ông Tú, tất cả là yếu tố kỹ thuật, cho nên, nếu ngân hàng (VietinBank) đã cho vay được hơn 13 năm, thì cũng có thể sắp xếp cho vay được đến 14 năm mấy tháng, tức bằng thời gian hoàn vốn. “Nếu đã tính được 13 năm, thì cũng tính được 14 năm, đó không phải là điều kiện lớn”, ông nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp diễn ra hôm nay, 7-8, các bên liên quan vẫn chưa thể “chốt” được thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng cũng như giải ngân vốn vay cho dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao). Dự án có chiều dài 51 km, trong đó, giai đoạn 1, có nền đường rộng 17 mét và giai đoạn 2 sẽ được nâng lên 32,25 mét.

Trung Chánh (Saigontimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.