25/12/2017 8:08 PM
Việc Bộ Xây dựng vừa “bác” đề án xây dựng ga Hà Nội cao tới 70 tầng cũng như hàng loạt ý kiến về việc chệch hướng quy hoạch, buông lỏng quản lý đến những lãng phí trong xây dựng đô thị Việt Nam cho thấy nếu không có những chiến lược căn cơ bài bản, phá bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế xin-cho thì căn bệnh “nhếch nhác” của đô thị Việt Nam khó thay đổi.
Khu tập thể nằm trên đường Tôn Thất Tùng (Hà Nội) nhếch nhác bởi hàng loạt ban công cơi nới. Ảnh: A.C
Lãng phí đất đai, biến tướng quy hoạch
Tại Hội thảo “Thực trạng quản lý đô thị và Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị Việt Nam” do Khoa Các khoa học liên ngành và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gần đây, TS Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) đã phân tích: Đô thị Việt Nam còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, quy hoạch bị biến tướng.
Gần đây trong quá trình phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án “khu đô thị mới” làm “chiến lược” trọng tâm. Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng dự án “khu đô thị mới” còn đang thiếu một mô hình, một khuôn mẫu. Về bản chất, các dự án này hiện đang thiên về mô hình kinh doanh bất động sản hơn là một tầm nhìn cho phát triển bền vững đô thị. Vậy nên, nhiều địa phương còn rất hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho các chủ đầu tư mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng....
Từ thực trạng trên, TS Trương Văn Quảng chỉ rõ nguyên nhân: Do không có công cụ để quản lý kiểm soát sau khi đã có quy hoạch được duyệt, mặc nhiên một cách chủ quan trong công tác quản lý đã tạo nên nhiều kẽ hở gây biến động, lãng phí đất đai, mất đi nhiều cơ hội để có những không gian đô thị đẹp, có chất lượng. Điều này còn là minh chứng cho tính pháp lý của đồ án quy hoạch được duyệt chưa cao.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, dân số đô thị nước ta ước tính sẽ tăng từ 22% lên đến 38% vào 2025, tức là chỉ 9 năm nữa gần 40% dân số sống trong đô thị. Mỗi năm sẽ có thêm chừng 1,3 triệu dân đô thị và sẽ đạt đến con số 52 triệu vào năm 2025. Sự gia tăng dân số đô thị kèm với gia tăng sử dụng đất, việc làm, tiện ích và tổng diện tích xây dựng đô thị, kéo theo các tài nguyên và nguồn lực khác ồ ạt chảy vào theo đô thị hóa.
Một gợi ý hay để khắc phục sự bất ổn đang bị bỏ qua
Trong nhiều năm qua giới chuyên môn đã có những đánh giá cao về đề án “Khắc phục bất ổn kinh tế - văn hóa Việt Nam theo phương thức lấy đô thị nuôi đô thị” của Liên hiệp Khoa học bảo tồn phát triển văn hóa Việt Nam - Đông Nam Á.
Đề án công phu được triển khai từ nhiều năm, công phu của một nhóm các nhà khoa học đánh giá toàn diện về nền kinh tế, văn hóa Việt Nam. Đề án này cũng đưa ra các dẫn chứng với số liệu đáng tin cậy và nhiều giải pháp có tính khả thi như sắp xếp lại bộ máy, khắc phục đô thị hóa tùy tiện…
Tuy nhiên những tâm huyết của các nhà khoa học với vấn đề nóng của đô thị Việt Nam đã không được chú ý một cách đúng mức. Hay nói cách khác là cấp trung gian là Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội đã không thực hiện.
Điều đáng nói, đề án “Khắc phục bất ổn kinh tế - văn hóa Việt Nam theo phương thức lấy đô thị nuôi đô thị” đề cập tới đa ngành, đa lĩnh vực nhưng các cơ quan quản lý chỉ giao cho Bộ Xây dựng giải quyết. Kết quả là Bộ Xây dựng đã có văn bản “không xem xét đề nghị của dự án theo hướng đa ngành”.
Một công trình tâm huyết, tốn nhiều công sức trí tuệ của các nhà khoa học đang bị các cơ quan chức năng thờ ơ trong khi đã tốn kém rất nhiều để tổ chức những hội nghị, hội thảo mà chưa tìm ra được những giải pháp mang tính khả thi.
Cơ hội duy nhất cho Việt Nam là bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị. Mặt khác, quản lý phát triển đô thị Việt Nam hiện đang được thực hiện theo hướng đơn ngành, chủ yếu là thông qua công tác quy hoạch tại các bộ thì khó có thể thống nhất về chiến lược và phân bổ nguồn lực cho phát triển quốc gia. Trong khi đó, đô thị là cơ thể thống nhất về không gian và tổ chức các hoạt động như kinh tế, xã hội, phân bổ tài nguyên và môi trường sống… cần nguồn nhân lực đô thị theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống.
Huyên Nguyễn - Vũ Minh (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.