CafeLand - Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại Hội thảo ‘’Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam’’ vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.

Chiều ngày 8/1/2021, tại Khu đô thị Casamia (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn – Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết: Từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò (còn gọi là Lộ Cảnh Giang) - con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương nối Đà Nẵng với Hội An trong giai đoạn thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII bị bồi lấp, gây nên những thiệt hại lớn về nhiều mặt cho Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của con sông này đối với quá trình phát triển, từ năm 2012 tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã hợp tác khơi thông con sông này. Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25km chảy qua địa phận tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh tại hội thảo ‘’ việc khơi thông sông Cổ Cò là niềm mong mỏi rất lớn không chỉ của đảng bộ, chính quyền nhân dân của hai tỉnh, thành Quảng Nam và Đà Nẵng mà còn là khát vọng của các nhà đầu tư, người con xa quê. Tôi tin chắc rằng trong tương lai, sông Cổ Cò sẽ là con sông đẹp nhất của Việt Nam. Tại hội thảo này, tôi cũng truyền tải đến khát vọng của lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam về một câu chuyện sông Cổ Cò bắt đầu từ hôm nay”.

Tại hội thảo, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam và Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã trình bày các bài tham luận, chia sẽ về những gì đã, đang và sẽ diễn ra trong tiến trình nạo vét và khơi thông sông Cổ Cò. Cả hai địa phương đều đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nạo vét khơi thông sông Cổ Cò là định hướng vô cùng đúng đắn, sẽ thúc đẩy phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch của cả 2 địa phương trong tương lai.

Chưa hết tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Tập đoàn Vicoland, VinaCapital Đà Nẵng,… chia sẽ về những tiềm năng, giá trị về bất động sản tại khu vực đôi bờ sông Cổ Cò và khu vực ven biển Hội An (Quảng Nam) – Đà Nẵng.

Ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ Tịch Công ty TNHH Khu Du Lịch Biển VinaCapital Đà Nẵng cho rằng sau khi dòng sông Cổ Cò dài khoảng 28km ở Đà Nẵng và Quảng Nam được khơi thông sẽ tạo động lực và gia tăng giá trị đột phá xung quanh 2 bên bờ sông thuộc khu vực Sông – Biển – kết nối đến quốc lộ 1A , tạo ra cơ hội vô cùng tiềm năng để phát triển phong phú thêm các dự án du lịch ven sông và các khu đô thị sinh thái mới.

Khu vực đô thị ven sông Cổ Cò cần nghiên cứu sâu thêm quy hoạch kết nối của Thành phố Giáo dục Boston/ Mỹ (Có Harvard, MIT, và rất nhiều trường đại học - cao đẳng…) để áp dụng 1 phần cho khu vực này, tạo ra đô thị mới sầm uất trong tương lai nhờ các dự án phù hợp như trên thúc đẩy di dân cơ học, kết hợp với thu hút khách du lịch, và tạo công ăn việc làm tại chỗ, chất lượng sống của dân cư được nâng cao…

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D Công ty DKRA Vietnam phân tích, sông Cổ Cò là sự kết nối các khu dân cư hiện hữu, các dự án đã và đang hình thành sẽ tạo nên vùng đệm giữa 2 thành phố Đà Nẵng và Hội An. Khi các dự án bất động sản khu vực này có sự sôi động phát triển sẽ kích thích thị trường bất động sản của cả Đà Nẵng - Quảng Nam hồi phục trở lại sau giai đoạn ngủ đông 2019-2020.

Về du lịch, ông Nguyễn Hoàng cho rằng khơi thông sông Cổ Cò sẽ phát triển đa dạng các hình thức du lịch trong đó có du lịch trên sông, kết nối văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống…của các địa phương dọc theo dòng sông từ đó kéo theo sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An thì cho rằng, việc khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa về mặt tăng giá trị của đất mà còn là vấn đề khai thác về dịch vụ, xã hội, kinh tế tăng thêm từ hoạt động kinh doanh. Việc khơi thông dòng sông sẽ tác động rất tích cực đối với môi trường của thành phố Hội An, ví như giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại Chùa Cầu.

Kết luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hội thảo chiều nay gợi mở cho chúng ta nhiều vấn đề để hiện thực hóa khát vọng hướng đến việc khơi thông sông Cổ Cò. Ngày hôm nay, chúng ta đã đi vào được những vấn đề gân cốt của dòng sông này, từ việc kết nối, tổ chức không gian, đem lại giá trị gia tăng như thế nào, điều chỉnh các quy hoạch, tạo các hoạt động phục vụ cho không gian sống,…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, ’’ Hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất nạo vét con sông này, không có bàn lùi mà chỉ bàn tới. Và Quảng Nam không chỉ dừng lại ở sông Cổ Cò, hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo ở con sông Trường Giang, tương tự như vậy,….”

‘’ Tôi tin rằng, đến năm 2030, mọi người sẽ chứng kiến một Quảng Nam rất khác so với hiện nay. 2 năm tới, Quảng Nam sẽ dứt điểm trong việc quy hoạch các khu vực ven sông trên địa bàn tỉnh, để khai thác giá trị tối ưu nhất đối với các dòng sông này và mỗi con sông sẽ có một bản sắc riêng’’- Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thông tin thêm.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.