Bất động sản ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, năm 2011 chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư một số dự án tại Hà Nội và khu vực phía Bắc.


Ông Vũ Tuấn Đương - Chủ tịch HĐQT Licogi 13

Đó là nhận định của ông Vũ Tuấn Đương - Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Licogi 13 (mã CK: LIG) trong buổi trao đổi với PV về những kế hoạch, dự định của Licogi 13 cũng như những chia sẽ về đời thường của ông.

Ông có thể cho biết trong những năm lãnh đạo LIG đã trải qua những khó khăn thử thách nào đáng nhớ? Quan điểm sống của ông? Ông thường làm gì khi có thời gian rảnh rỗi?

Cái khó khăn thách thức lớn nhất của tôi là khi tiếp nhận chức Giám đốc của Licogi 13. Cú sốc lớn nhất là khi tham gia vào dự án thoát nước Hải Phòng vào năm 2003 với vốn đầu tư 113 tỷ đồng và số lỗ hơn 30 tỷ đồng, nguyên nhân do đây là dự án ODA, và cũng do lúc đó còn chủ quan nên bị bỏ thầu và bỏ với giá thấp, lúc bấy giờ tôi cũng chỉ nghĩ là tạo ra công ăn việc làm cho anh em. Các điều luật, quy định về công ty có vốn đầu tư nước ngoài rất tốn nhiều thời gian, dự án bị chậm tiến độ. Cùng với đó là những khó khăn trong thi công như mạch nước ngầm, mặt bằng thi công, ngập nước…

Lúc bây giờ tôi lại đột ngột được điều về Licogi 13 và thực sự là khi đó Bộ máy lãnh đạo công ty còn chưa tốt, trước đó tôi làm trưởng phòng đầu tư của Tổng Licogi và vào tháng 10 năm 2003 thì được điều về làm Giám đốc Licogi 13.

Tôi xác định dự án thoát nước là dự án cực kỳ khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm và cố gắng của anh em thì sau 1 năm dự án cũng đã được hoàn thành, và bản thân tôi cũng muốn làm cho xong dự án này, sau đó làm dự án khác để bù đắp lại những thua lỗ.

Sở thích của tôi là những ngày nghỉ nhàn rỗi thì tôi thường đi đá bóng cũng với anh em trong Công ty.

Ông vừa là Phó Tổng Licogi, vừa là chủ tịch HĐQT của LIG vậy LIG có được các lợi thế gì từ Tổng công ty mẹ hơn các công ty khác không? Ông đánh giá thế nào về vị thế của Licogi13 hiện nay trong Tổng Licogi và trong ngành?

Tổng Licogi là một Tổng Công ty có truyền thống lâu đời, đã được 50 năm hoạt động kể từ khi thành lập và là Tổng Công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực Xây dựng. Licogi 13 trước đây là một thành viên của Tổng Licogi và hiện nay là Công ty liên kết trong hệ thống của Licogi.

Hiên nay tôi vừa là chủ tịch của Licogi 13 lại vừa là Phó Tổng giám đốc của Tổng Licogi thì Licogi 13 có nhiều lợi thế

Thứ nhất, Licogi 13 được hưởng chung chiến lược phát triển cũng như Tổng Licogi, được tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của Tổng Licogi và cũng là nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ của Tổng. Cũng có thể nói tôi là một cái cầu nối giữa Tổng Licogi và Licogi 13, là công nối giữa một doanh nghiệp là Tổng công ty lớn với một doanh nghiệp độc lập đã niêm yết, có rất nhiều những thông tin, những cái hướng hoạt động của Tổng có thể vận dụng vào Licogi 13, và có những trao đổi để cũng thực hiện những nhiệm vụ, và cũng có thể nói là có thể tiếp nhận được những cái kinh nghiệm điều hành của các đơn vị thành viên để áp dụng vào Licogi 13 một cách có chọn lọc.

Có thể nói là thời gian trước, khi Licogi 13 còn là doanh nghiệp nhà nước thì Tổng cũng có sự hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, khi Licogi 13 được cổ phần hóa thì quan hệ tài chính với Tổng Licogi là quan hệ rất xòng phẳng. Những lúc khó khăn, khi Licogi 13 phải đầu tư gấp một vấn đề gì đó thì giữa hai bên có sự trao đổi và bàn bạc với nhau theo nguyên tắc là có vay có trả.

Hiện nay, trong ngành có thể nói là Licogi 13 có quy mô đứng thứ hai sau Licogi 16. Cái lợi thế của chúng tôi là đã tạo ra được mô hình Công ty mẹ - Công ty con, và 5 công ty con hoạt động trong 5 lĩnh vực khác nhau như nền móng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, xây dựng và bất động sản. Công ty mẹ thì hoạt động quản lý đầu tư chung. Định hướng cũng rất rõ ràng theo các lĩnh vực khác nhau, thông qua mô hình đó thì chúng tôi cũng đã sắp xếp, thu hút cán bộ, đào tạo cán bộ để hoạt động một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực, Ông có nhận định gì về sự phát triển của thị trường Bất động sản trong thời gian tới như thế nào?

Tôi nghĩ rằng đất nước Việt Nam đang phát triển về xây dựng hạ tầng, với cái xu thế đó tôi nghĩ rằng thị trường bất động sản Việt nam còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều khó khăn và trong năm 2011 sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn do với chủ trương kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ổn định của Chính phủ thì tín dụng sẽ tiếp tục còn hạn chế, nguồn tiền cho đầu bất động sản sẽ hạn hẹp và các dự án sẽ còn nhiều khó khăn.

Nhìn về dài hạn thì thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại và năm 2011 thì thị trường vẫn có nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn về tài chính, thì năng lực quản lý cũng rất quan trọng, anh phải có đội ngũ chuyên nghiệp. Hiện Licogi 13 cũng đang thực hiện chuyên nghiệp theo từng bước, có bộ phận chuyên đầu tư, bộ phận chuyên thẩm định các dự án, bộ phận chuyên quản lý dự án,…

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp có nhiều đất, tuy nhiên, cái năng lực về tài chính cũng như bộ máy công ty hay là năng lực quản lý chưa thể thực hiện được, bởi vì khi anh triển khai các dự án thì tiến độ dự án là vô cùng quan trọng, hay nói cách khác là điểm rơi của sản phẩm. Anh triển khai nhanh thì tiết kiệm được chi phí, anh chuyên nghiệp trong quản lý điều hành thì có được sản phẩm chất lượng, tính đúng được điểm rơi thì có thể bán được với giá tốt hơn.

Lãi suất cho vay bất động sản đang ở mức cao, ngân hàng thu hẹp tăng trưởng tín dụng, cung có dấu hiệu dư thừa ở một số phân khúc thị trường BĐS, một số chuyên gia cho rằng đang là thời kỳ khó khăn của thị trường BĐS, vậy tại sao LIG lại thành lập Licogi13-REAL (BĐS)? Chiến lược của Licogi13-REAL ra sao?

Đối với Licogi 13 – Real: Công ty này được thành lập ra một mặt là để đầu tư, thì còn mặt quan trọng nhất là để quản lý các bất động sản của Công ty. Bởi vì hiện nay, khi các bất động sản của chúng ta được xây dựng rồi thì thị trường quản lý, tư vấn lại đang nằm trong tay các đơn vị nước ngoài.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản thì cái như cầu về quản lý, vận hành, tư vấn, định giá,…là rất nhiều. Licogi 13 – Real được thành lập trước mắt quan trọng nhất là việc quản lý 2 tòa nhà 15 tầng của Licogi 13 hiện có, và sau đó là quản lý tòa nhà Licogi 13 Tower 27 tầng đang được xây dựng, chúng tôi cũng dành cho Licogi 13 – Real một số sàn văn phòng tại đây để tiến hành hoạt động kinh doanh.

Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai khu đô thị mới Thịnh Liệt cùng với Tổng công ty, và đó cũng là cái thị trường mà Licogi 13 – Real có thể tham gia, vừa có thể đầu tư với tư cách là nhà đầu tư thứ cấp, vừa có thể tham gia quản lý kinh doanh. Tiến tới chúng tôi cũng sẽ thành lập sàn giao dịch bất động sản để vừa có thể đầu tư, vừa có thể quản lý bất động một cách chuyên nghiệp hơn

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt là dự án có quy mô 35,14 ha do Tổng Licogi làm chủ đầu tư, hiện đang thực hiện giải phóng mặt bằng và điều chỉnh quy hoạch. Licogi 13 cũng với các đơn vị khác của Tổng tham gia với chức năng là nhà đầu tư thứ cấp.

Các công ty bất động sản như LIG có gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn? LIG có dự định tăng vốn trong năm tới không? Kế hoạch chia thưởng ?

Hiện nay Licogi 13 cũng có đầu tư bất động sản, tuy nhiên, chúng tôi đầu tư có chọn lọc. Xuất phát từ khâu nghiên cứu thị trường, và có chọn lọc, nếu không chọn lọc mà đầu tư dàn trải thì vốn để đầu tư vào rất là lớn, thậm chí còn đọng vốn, khi đó sẽ tạo nên sức ép lớn, nếu tình hình xấu có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Chúng tôi sẽ đầu tư những dự án bất động sản phù hợp với quy mô vốn của mình, phù hợp với trình độ quản lý của mình, và đương nhiên là ngày một nâng lên.

Việc huy động vốn của chúng tôi thì sẽ không có gì gặp khó khăn. Bởi vì thứ nhất là chúng tôi có quan hệ tín dụng với các ngân hàng rất tốt, thứ hai, là bản thân Licogi 13 có thể huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nhưng vấn đề là, số lượng huy động vốn đến đâu là bài toán khó khăn, nhằm đảm bảo an toàn các hệ số tín dụng. Trong năm 2011, Licogi 13 có thể tăng vốn điều lệ lên từ mức 120 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.

Năm 2010 LIG dự kiến trả cổ tức 18% bằng tiền mặt, và năm 2011 cũng trả cổ tức bằng tiền mặt, còn cổ phiếu thưởng thì không.

Điều gì ông đang nóng lòng muốn thực hiện nhất cho LIG trong năm 2011?

Thời gian tới 2011, chúng tôi tiếp tục dự kiến đầu tư một số dự án bất động sản ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận ở phía Bắc. Mặc dù chúng tôi cũng đã đi nghiên cứu về thị trường du lịch ở Tp.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng,…nhưng chúng tôi vẫn xác định hướng phát triển là thị trường ở khu vực Hà Nội như nhà ở, văn phòng, thậm chí là khu công nghiệp

Lĩnh vực khoáng sản chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh về công nghệ về nghiền đá, đầu tư vào các mỏ đá như hợp tác với Công ty Việt Phương đầu tư vào mỏ đá ở Lương Sơn, Hòa Bình. Triển khai công nghệ nghiền đá dọc các quốc lộ, cung cấp vật liệu cho các công trường.

Trong thời gian tới, Licogi 13 sẽ vươn lên làm tổng thầu. Hiện nay Licogi 13 đã có công ty về nền móng, xây dựng,…khi vươn lên làm tổng thầu thì uy tín của Licogi 13 cũng sẽ được nâng cao hơn, đồng thời phát huy được hết sức mạnh của mình.

Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư bất động sản năm 2011?

Năm 2011, các nhà đầu tư bất động sản cũng sẽ phải chập nhất cho mình là còn có nhiều khó khăn và phải tìm cho mình những phân khúc thị trường tốt, phù hợp. Chắc chắn tình hình tài chính còn khó khăn, năng lực của nhà đầu tư Việt Nam chưa phải là cao và mua bán bất động sản sẽ bài bản hơn do chính sách Nhà nước điều chỉnh, bên cạnh đó nhu cầu đầu tư vào các kênh đầu tư khác cũng bị san sẻ như chứng khoán, vàng, ngoại tệ. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới nhu cầu đầu tư bất động sản để đầu cơ sẽ không nhiều nữa, mà chúng ta sẽ phải quy về hướng vào những khách hàng có nhu cầu thực sự.

Xin cám ơn ông!

Cafeland.vn - Theo Báo xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland