26/01/2018 9:10 PM
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện.

Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) trên 35 ha do Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư nhưng đến nay 14 năm vẫn chưa triển khai.

Hủy các dự án “ôm đất” quá 3 năm chưa thực hiện

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Theo đó, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã; bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.

Thành phố cũng yêu cầu các sở ngành phải rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý về đất đai để bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục; bãi bỏ, điều chỉnh các thủ tục, nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.

Đặc biệt, ông Chung yêu cầu Sở Tài chính chủ trì cùng với Sở TN&MT, Sở Xây dựng tăng cường sự phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất để thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể, bảo đảm chính xác, chất lượng, kịp thời; thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu "đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Hàng loạt dự án “ôm đất” cả thập kỷ không thực hiện

Theo đánh giá, hiện nay trên địa bàn Hà Nội hàng loạt dự án “ôm đất” cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Thậm chí nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện mà cho thuê sử dụng đất trái mục đích gây bức xúc cho người dân.

Chẳng hạn, trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện nhiều dự án “ôm đất” cả chục năm trời không triển khai gây khiếu kiện, bức xúc cho người dân. Đơn cử, Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) với trên 35 ha có quyết định của UBND TP. Hà Nội thu hồi đất từ năm 2004 giao cho Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện không điện, không nước sạch, không hộ khẩu. Điều đáng nói, gần đây người dân ở đây càng bức xúc khi những phần diện tích đất đã GPMB lại được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông “tùm lum” để kiếm lời.

“Dự án được giao 14 năm nay nhưng chủ đầu tư không thực hiện dù dân đã đề nghị thu hồi dự án mà họ tìm cách điều chỉnh quy hoạch, cho thuê bát nháo. Thậm chí chúng tôi còn được biết hiện chủ đầu tư đang liên kết, bán dự án cho đối tác bên ngoài trong khi cuộc sống của nhiều hộ dân khố khốn bao năm bởi dự án treo”, ông Lê Văn Khánh, người dân ở phường Thịnh Liệt bức xúc.

Nhiều dự án "ôm đất" khi những không triển khai mà còn được chủ đầu tư cho thuê, sử dụng sai mục đích. Thậm chí, chủ đầu tư còn tìm cách liên kết hoặc bán lại dự án gây nhiều bức xúc cho người dân.

Không chỉ các dự án nhà ở, khu đô thị mới, tại quận Hoàng Mai, Dự án Bệnh viện “vẽ” nghìn tỷ quy mô hàng trăm giường hoành tráng tại vị trí đất “vàng” đến nay vẫn đắp chiếu cả thập kỷ. Cụ thể, năm 2008, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 35.957m2 đất tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) giao cho Cty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung để xây dựng BV đa khoa Quang Trung, với tiến độ đề ra là 18 tháng.

Thế nhưng, lãnh đạo UBND phường Yên Sở cho hay, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. “Dự án này liên quan gần 300 hộ dân bị thu hồi đất nhưng đã kéo dài nhiều năm. Đến nay dù được quận phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB nhưng doanh nghiệp chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện. Quận và Sở TN-MT cũng đã có văn bản đề nghị thành phố thu hồi dự án vì kéo dài quá lâu”, vị cán bộ cho biết.

Theo Sở TN&MT qua thanh tra cũng cho thấy, nhiều chủ đầu tư “ôm đất” không chứng minh được năng lực và kinh phí để thực hiện dự án. “Việc chậm thực hiện dự án đầu tư xây dựng BV Đa khoa Quang Trung của Cty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung nguyên nhân chính là do Cty không chứng minh được năng lực; không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai dự án”, Thanh tra Sở TN&MT nhấn mạnh.

Đại diện các quận nơi có các dự án “ôm đất” nhưng không triển khai cho hay, đa số là những dự án có quy mô lớn được thành phố phê duyệt, nhưng việc nhà đầu tư chậm triển khai ảnh hưởng rất lớn đến địa phương.

“Nhà đầu tư được thành phố giao đất nhưng họ không triển khai trong khi dân bị thu hồi đất liên tục có kiến nghị yêu cầu quận phải giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy chúng tôi mong muốn thành phố có những biện pháp mạnh xử lý hoặc thu hồi lại các dự án đắp chiếu để giao cho chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện”, vị cán bộ quận Hoàng Mai nói.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, đối với dự án BV Đa khoa Quang Trung tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra dự án và có văn bản đề nghị Hà Nội thu hồi lại dự án này.

Theo ông Nghĩa, Quy định sau 12 tháng liền kề từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Sở lập hồ sơ, trình thành phố thu hồi đất đã giao. Nhưng thực tế các chủ đầu tư đã tìm mọi cách để “níu kéo” lại dự án, thậm chí tìm cách chuyển nhượng, bán lại cho đối tác khác.

Tú Anh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.