“Tôi cũng đang thích họ( nhà đầu tư- pv) rút hết tiền để tôi bán với giá mới bây giờ là 19-20 triệu/m2. Họ đầu tư thì họ phải tính toán, tôi không quan tâm tới việc họ mất đi cơ hội vì dự án chậm tiến độ”- Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoàng Gia- Nguyễn Cảnh Dinh- đã thản nhiên trả lời phóng viên PLVN Online như vậy trước câu hỏi: chủ đầu tư có trách nhiệm gì khi để dự án chậm tới 3 năm?
Chủ “dự án rùa” bình chân như vại- nhà đầu tư hứng chịu rủi ro
Trang web giới thiệu các dự án của Hoàng Gia

“Chậm thì mất..uy tín, thương hiệu chứ không…vi phạm pháp luật”?

Tiếp chúng tôi lại công ty có tên Trường Giang, ông Nguyễn Cảnh Dinh cho biết mình làm chủ tịch HĐQT, TGĐ nhiều công ty chứ không phải chỉ mình cty Hoàng Gia. Trên tường phòng khách nơi ông Dinh tiếp chúng tôi cũng có hình ảnh của một số dự án bất động sản khác ở phía Tây thành phố.


Trên trang web của Hoàng Gia cũng giới thiệu ngoài dự án tòa nhà SME Hoàng Gia- Hà Đông, tập đoàn này còn đang tham gia liên doanh đầu tư các dự án khác như Dự án tòa nhà hỗn hợp PVC-3C, Khu vui chơi giải trí cao cấp Kim Bôi. Trong đó chỉ có tòa nhà SME Hoàng Gia là “đất” của Hoàng Gia còn lại các dự án Hoàng Gia đều ở trong “vai” liên doanh, liên kết.


Thậm chí dự án tòa nhà hỗn hợp PVC-3C hiện UBND thành phố còn chưa chấp thuận về chủ trương và chưa giao cho công ty Dầu khí và Hoàng Gia làm chủ đầu tư song trang web của công ty này vẫn quảng bá động thổ cuối năm 2010 và hoàn công vào năm 2015.


Hiện khu đất này vẫn đang là của dân, đang mọc cỏ, chưa có chuyện bán căn hộ ở đó, chúng tôi chưa được giao làm chủ đầu tư”, ông Dinh thừa nhận.


Khi phóng viên đặt nghi vấn liệu hàng trăm tỷ đồng mà cty Hoàng Gia thu được của khách hàng góp vốn vào dự án tòa nhà SME Hoàng Gia từ năm 2008 tới nay có phải chủ đầu tư chiếm dụng và mang đi đầu tư vào dự án khác thay vì tập trung xây dựng tòa nhà SME đúng tiến độ cam kết, ông Dinh đã “giãy nảy” và lớn tiếng khẳng định: chúng tôi chưa ngừng thi công ngày nào.


Chưa ngừng thi công ngày nào vậy vì sao trong khi một dự án động thổ sau dự án SME Hoàng Gia là tòa nhà FLC LanmarkTower hiện đã xây tới tầng thứ 30 mà tòa nhà SME vẫn còn chưa xong móng? Ông Dinh “đổ tại” nguyên nhân khách quan. Theo đó, khi đang thi công tầng hầm thì phát hiện 1 túi nước vì vậy phải “vá” túi nước này. Thêm vào đó đường Tô Hiệu đang làm, xe thi công lớn không vào được. Hỏi: “
vậy khi xảy ra sự cố túi nước, anh có thông báo với các nhà đầu tư để họ biết dự án chậm lại không”. “ Không. Góp vốn tôi thông báo làm gì”?, ông Dinh trả lời đồng thời nhấn mạnh thêm “ Tất cả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước đều chậm, có dự án 10 năm chưa xong nổi mà chả vì lý do gì cả. Dự án làm chậm thì mất thương hiệu, mất uy tín nhưng không…vi phạm pháp luật”.


Trước bức xúc của nhà đầu tư về việc dự án chậm tiến độ khiến cho nhà đầu tư phải chịu rủi ro vì hiện các dự án chung cư đang trong tình trạng “thừa cung”, ông Dinh cho rằng việc dự tính 2011 hoàn thành là ước tính và chỉ thể hiện trong hợp đồng góp vốn. “
Giờ ai có nhu cầu thì nộp tiếp tiền để vào tên hợp đồng mua bán, ai không có nhu cầu thì chúng tôi trả lại tiền đã góp và lãi suất 5%/năm”.


Ông Dinh còn nhấn mạnh thêm : “ Cứ thông báo và cho số điện thoại của tôi, các nhà đầu tư gọi cho tôi tôi sẽ trả lời. Khách hàng góp vốn từ ban đầu, giá thấp là đã đầu tư mạo hiểm thì phải chấp nhận rủi ro, đầu tư thì phải tính toán, tôi không quan tâm việc họ mất đi cơ hội vì dự án chậm tiến độ”.


Tiền vênh: bắc thang lên đợi…ông giời?


Ông Dinh cũng cho biết mặc dù dự án chậm tiến độ như vậy song mới chỉ có 1 nhà đầu tư tới xin rút lại tiền vốn đã góp.


Trao đổi với một số nhà đầu tư đang rất sốt ruột với dự án “rùa bò” này, chúng tôi được biết sở dĩ các nhà đầu tư này chưa rút vốn là bởi họ đã phải trả khá nhiều tiền “vênh’ khi mua suất căn hộ từ dự án SME Hoàng Gia. Giờ đây nếu rút vốn thì tiền vênh này họ sẽ mất trắng( khoảng trên 100 triệu đồng/ căn).


Ông Dinh cũng thừa nhận, giá gốc các căn hộ đợt 1 được bán là 15,9 triệu đồng/ m2 và đợt 2 là 18,3 triệu đồng/m2. Các khách hàng mua giá gốc bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp khác đều được công ty Hoàng Gia xác nhận và chuyển chính chủ trong hợp đồng mới với mức phí là 10 triệu đồng/ suất.


Thừa nhận như vậy song ông Dinh cho biết nếu thanh lý hợp đồng thì chỉ trả lại tiền góp vốn theo giá gốc cộng với 5% lãi suất/ năm chứ không chịu trách nhiệm về khoản tiền vênh.


Thiệt đơn, thiệt kép như vậy nên nhà đầu tư đang phải “căn răng” mà “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Trong khi đó, chủ đầu tư thì ung dung tuyên bố: tôi đang thích họ( nhà đầu tư- pv) rút vốn để giờ tôi bán giá mới 19- 20 triệu/m2.


Cũng “đẩy” cái thiệt về phía khách hàng, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính và dịch vụ bất động sản Nam Phương đang phải đối mặt với việc bị kiện ra tòa khi lần lữa việc trả tiền cọc và chênh lệch cho khách hàng của dự án Mekong Plaza muốn rút lại vốn.


Trong đơn gửi đến Pháp Luật Việt Nam, ông Bùi Duy Nam, cho biết do thời hạn hợp đồng vay vốn đã hết, nhưng Cty Nam Phương vẫn không thực hiện quyền mua nhà cho khách hàng, buộc ông Nam phải thực hiện việc yêu cầu Cty Nam Phương thanh toán các khoản tiền đã đóng (kể cả tiền chênh lệch và lãi suất).


Song ông Đặng Đình Cường, Phó chủ tịch HĐQT Cty Nam Phương nói rằng “ông Nam không biết thông cảm”, bởi hiện tại công ty đang cực kỳ khó khăn. Ông Cường cũng cho biết phía Cty Nam Phương đồng ý trả lại tiền, nhưng phần tiền lãi “chờ đến khi ông Mẫn chuyển đến” sẽ thanh toán nốt cho ông Nam.


Theo tài liệu mà ông Nam cung cấp, để có “quyền” bán căn hộ thuộc dự án Mê Kông Plaza, thì Cty Nam Phương trước đó được ông Phạm Công Mẫn uỷ quyền tìm khách hàng. Ông Mẫn là người có hợp tác (cho chủ đầu tư dự án vay vốn) với dự án Mê Kông Plaza.


Ông Nam kiên quyết: một khi tiền lãi chưa nhận được thì sẽ không thanh lý hợp đồng. Và khẳng định lý do “chờ tiền của ông Mẫn” như cách nói của ông Cường là không hợp lý, bởi khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ từ Cty Nam Phương chứ không liên quan đến ông Mẫn.


Hiện ông Nam đã gửi hồ sơ khởi kiện ra toà án.


Chưa biết rồi sau đây vụ việc sẽ được giải quyết ra sao song cái thiệt của các nhà đầu tư nhỡ bỏ tiền vào các “dự án rùa bò” đã quá rõ.


Các luật sư và cơ quan chức năng sẽ nói gì về hiện tượng dự án “rùa bỏ” này?

Theo Anh Phương (PL Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.