08/01/2012 1:44 AM
Giải pháp cho tình hình khó khăn hiện nay là khách hàng và chủ đầu tư cùng ngồi lại với nhau, thỏa thuận cùng tiến cùng lùi

Lúc thị trường căn hộ còn “nóng, sốt”, các khách hàng phải tranh mua với những khoản tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng cho một sản phẩm. Thế nhưng, khi thị trường bất động sản lao dốc không phanh, các “thượng đế” buộc phải đối mặt với sự bội tín, lật kèo, thất hẹn… của các chủ dự án.

“Tiền trao nhưng cháo không… thấy”

Tâm lý thường thấy ở các khách hàng mua căn hộ, đó là việc nhìn thấy dự án mình đặt trọn niềm tin và hầu bao được hoàn thành để nhận nhà. Nhưng hiện nay, do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến nhiều dự án buộc phải kéo dài thời gian hoàn thành, thậm chí không thể biết chính xác lúc nào mới xây xong.


Tháng 11-2010, chị Nguyễn Thị P., ngụ huyện Bình Chánh - TPHCM, mua căn hộ tại một dự án trên đường Tạ Quang Bửu - Bông Sao thuộc phường 5, quận 8 - TPHCM. Lúc nộp tiền, chị đã nhiều lần đến công trường để tận mắt chứng kiến việc xây dựng, thế nhưng sau khi trả tiền được 40% giá trị căn hộ, hơn 680 triệu đồng, chị mới phát hiện hơn 13 tháng qua, dự án mới chỉ xây xong phần móng và đang thi công đậy phần tầng hầm. Mặc dù vậy, khi chị hỏi nhân viên ở đây, họ vẫn khẳng định đến quý I/2013 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng (!?).


Chị P. băn khoăn, với 15 tháng còn lại, tiến độ thi công gần như không làm gì như hiện nay, liệu chị có thể nhận nhà kịp hay không. Đúng lý ra, doanh nghiệp phải đầu tư đúng số tiền mà khách hàng đã đóng vào công trình ở mức tương đương là 40% dự án. Hiện chị P. khá lo lắng bởi số tiền chị đã giao cho chủ dự án đang “đội nón ra đi” bởi không biết chủ đầu tư có khả năng tiếp tục xây dựng, bao giờ mới giao nhà…


Chủ dự án lỗi hẹn

Tranh chấp giữa khách hàng và chủ dự án đang ngày càng tăng. Ảnh: C.T.V

Không chỉ có các khách hàng lâm vào tình cảnh trên mà chính ngay những đơn vị đầu tư thứ cấp cũng đang “tiến thoái lưỡng nan” khi chủ dự án phá vỡ cam kết, tự hạ giá sản phẩm. Ông Lê Quốc D., lãnh đạo một sàn địa ốc trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 - TPHCM, cho biết ông hợp tác đầu tư hỗ trợ phân phối một dự án ở phường Linh Đông, Thủ Đức - TPHCM cũng bị thua lỗ vì dự án áp dụng giảm giá 10% cho người mua sau.


Vị này cho biết ông mua gần 10 căn hộ ở block C trong dự án này và đang tiến hành phân phối thì chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ block B. Chính sách giảm giá cùng tiến độ thanh toán linh hoạt của chủ đầu tư đối với block B đã khiến sàn địa ốc này phải giải trình về giá cả với người mua block C. Thậm chí, sàn này còn bị mất khách vì bán sản phẩm giá cao hơn so với căn hộ cùng dự án.

Điệp khúc: Mong khách hàng thông cảm!


Đứng trước tình cảnh khó khăn như hiện nay, dù “thượng đế” có đến bao nhiêu lần thì câu nói quen thuộc mà họ nhận được từ chủ dự án vẫn là điệp khúc: Mong khách hàng thông cảm! Thậm chí có doanh nghiệp nói thẳng như Công ty Cổ phần Lê Minh M.C (chủ dự án Good House), doanh nghiệp hiện chỉ có thể bàn giao căn hộ thô thay vì theo hợp đồng là nhà hoàn thiện, bởi vì không còn khả năng tài chính để thực hiện khâu hoàn thiện cho khách hàng.


Theo giải thích của Công ty Lê Minh M.C, do tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng bị hạn chế nên nguồn vốn để thi công dự án hiện nay chính là nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nhưng do nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính, không thanh toán đúng theo tiến độ dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Thực sự đến giai đoạn này, ngân sách của dự án đang bị mất cân đối do tổng chi vượt xa tổng thu.


Cũng trong tình cảnh có dự án chậm tiến độ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Vạn Hưng Phát, ông Nguyễn Văn Minh, cho biết: “Việc các dự án căn hộ bị đình trệ trong năm 2011 là khó khăn chung của toàn thị trường. Bởi vì hàng loạt dự án đang được vay vốn để xây dựng đều bị ngưng cho vay khi có chỉ đạo siết tín dụng bất động sản…”. Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng trong năm 2012, những khó khăn về vốn được tháo gỡ thì các dự án này sẽ tiếp tục được xây dựng.


Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa cũng chia sẻ trong năm 2011, ông có 4 dự án ở TPHCM đã triển khai tại các quận 9, Tân Phú, Gò Vấp, đang vay vốn giữa chừng thì bị cắt. Lãi suất cho vay lên đến 23% - 24%/năm nhưng không thể tiếp cận được. “Tôi phải chọn giải pháp dãn tiến độ thậm chí ngừng thi công vì các dự án này cần khoảng 1.500 tỉ đồng nhưng chẳng biết kiếm đâu ra…” - ông than thở. Theo ông Hòa, giải pháp cho rắc rối này là khách hàng và chủ đầu tư cùng ngồi lại với nhau, thỏa thuận cùng tiến cùng lùi.

Theo Hoàng Lan (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.