Trước đó, Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về tranh chấp của hơn 40 khách hàng mua căn hộ Dự án Hyundai Hillstate (quận Hà Đông) với chủ đầu tư là Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây.
Theo đó, sau gần 3 năm đàm phán quyền lợi để chuyển sang thực hiện hợp đồng mua bán không đi đến thống nhất, nhóm khách hàng đã thông qua văn phòng luật sư ủy quyền gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thậm chí, việc kiện chủ đầu tư ra tòa án cũng đã được nhóm khách hàng cân nhắc.
Ông Yun Han Won (ảnh nhỏ), đại diện chủ đầu tư cho biết, sẽ theo đuổi đến cùng nếu nhóm khách hàng khởi kiện chủ đầu tư ra tòa
Trả lời phỏng vấn Đầu tư Bất động sản cuối tuần qua, ông Yun Han Won, Giám đốc hành chính của Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây khẳng định, việc nhóm khách hàng có tranh chấp lo lắng về tính pháp lý của Dự án là không có cơ sở. Doanh nghiệp đã làm đúng, làm đủ các thủ tục cần thiết với cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện Dự án. Vì thế, khách hàng mua nhà sẽ được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.
Giải thích việc tranh chấp kéo dài, vị này cho biết, thời gian qua, chủ đầu tư đã đồng ý điều chỉnh theo nhiều yêu cầu của nhóm khách hàng trên. Tuy nhiên, mỗi khi chủ đầu tư lùi một bước, khách hàng lại tiến một bước, gây khó khăn trong việc đàm phán với công ty mẹ bên Hàn Quốc. Tranh chấp vì thế cũng kéo dài, nhưng chưa thể đi đến thống nhất.
Cho rằng tranh chấp kéo dài do phía khách hàng, song ông Yun Han Won cũng thừa nhận, bản hợp đồng góp vốn - nguyên nhân xảy ra tranh chấp, có nhiều điều khoản có lợi cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, những điều khoản này đã được điều chỉnh cân bằng hơn trong hợp đồng mua bán hiện nay.
Ông Yun Han Won cho rằng, chủ đầu tư đã rất khó khăn trong việc thuyết phục công ty mẹ giảm giá cho các khách hàng cũ, vốn là một trong các nội dung chính nhóm khách hàng có tranh chấp yêu cầu (được giảm giá theo giá bán mới). Tuy nhiên, việc ưu đãi giãn tiến độ nộp tiền như các khách hàng mới là không thể, do khách hàng góp vốn đã có thời gian tới 3 năm để đóng tiền. Theo hợp đồng, tại thời điểm sắp bàn giao nhà, khách hàng phải đóng tới 70%, nhưng hiện hầu hết mới chỉ đóng khoảng 30% giá trị hợp đồng.
Về khả năng rút vốn của khách hàng, đại diện Hyundai RNC Hà Tây cho biết, việc chấm dứt hợp đồng và rút vốn chỉ được tiến hành khi có sự đồng thuận của cả bên bán lẫn bên mua. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư chưa có chính sách nào cho phép khách hàng được rút vốn. Trong khi đó, theo quy định của hợp đồng góp vốn, lẫn hợp đồng mua bán, các bên không được tự ý chấm dứt hợp đồng. Khách hàng chỉ được chấm dứt hợp đồng khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án, chủ đầu tư luôn tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng, triển khai dự án đúng tiến độ. Vì vậy, chủ đầu tư cũng chờ các khách hàng hoàn thành nghĩa vụ. Đại diện chủ đầu tư cho biết, trong số 41 khách hàng có tranh chấp với chủ đầu tư, nhiều người mong muốn rút vốn, song nếu rút vốn thời điểm này, khách hàng sẽ chịu thiệt hại rất nặng với các khoản phạt hợp đồng.
Mặt khác, dù chưa chuyển sang hợp đồng mua bán, nhưng đến hạn bàn giao nhà tới đây, các khách hàng góp vốn cũng có nghĩa vụ phải nhận bàn giao nhà. Liên quan đến khả năng nhóm khách hàng có tranh chấp sẽ kiện chủ đầu tư ra tòa, đại diện Hyundai RNC Hà Tây cho rằng, đó là quyền của khách hàng và nếu có, doanh nghiệp sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Như vậy, sau gần 3 năm khiếu nại, các khách hàng mua căn hộ tại Dự án Hyundai Hillstate không thể rút vốn, cũng không thể tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư. Trong khi đó, đối với chủ đầu tư, danh tiếng sẽ bị ảnh hưởng và việc bán hàng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là mức giá bán tại dự án hiện vẫn được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung (khoảng 24 triệu đồng/m2).