Môi giới làm loạn
Mới đây, Tập đoàn Mường Thanh đã phải gửi văn bản tới UBND quận Gò Vấp, Sở Xây dựng TP.HCM để báo cáo tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đang giới thiệu, rao bán sai sự thật về dự án Khu dân cư - căn hộ cao tầng tại phường 6, quận Gò Vấp do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.
Theo đại diện doanh nghiệp, dự án trên đang trong quá trình dọn dẹp mặt bằng để thi công. Doanh nghiệp cũng đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý dự án nên chưa tiến hành mở bán. Tuy nhiên, trên nhiều trang mạng đã xuất hiện dày đặc thông tin giới thiệu, mời gọi đặt cọc giữ chỗ sai sự thật.
“Hiện có một số đơn vị, cá nhân đăng tin mở bán. Đó không phải chủ trương của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi xin thông báo đến cơ quan ban ngành và khách hàng có nhu cầu mua căn hộ được biết. Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về những vấn đề giao dịch mua bán nếu có xảy ra”, văn bản của chủ đầu tư nêu rõ.
Trong năm 2018, Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư dự án phức hợp Sóng Việt tại khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) cũng từng lên tiếng đính chính về những thông tin rao bán dự án này sai sự thật trên các trang mạng. Thậm chí nhiều cá nhân còn tự nhận là người của chủ đầu tư để đứng ra nhận đặt cọc giữ chỗ với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Chủ đầu tư cho biết dù đang triển khai nhiều hạng mục tại dự án khu phức hợp Sóng Việt nhưng chưa có chính sách chào bán sản phẩm ra thị trường.
“Các cá nhân, tổ chức đưa tin thay mặt chủ đầu tư để nhận tiền giữ chỗ, tiền cọc của khách hàng là hành vi phạm pháp, có dấu hiệu lừa đảo”, lãnh đạo Công ty Quốc Lộc Phát từng khẳng định.
Một doanh nghiệp khác là Sơn Kim Land bị “vạ lây” bởi những thông tin đồi thổi không chính xác về dự án này. Cụ thể, nhiều thông tin cho rằng, chính Sơn Kim Land là chủ đầu tư của dự án. Doanh nghiệp này sau đó cũng phải có văn bản đính chính, khẳng định không có bất kỳ dự án nào ở Thủ Thiêm đang được chào bán như các thông tin trên mạng.
Không chỉ “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhiều tổ chức, cá nhân môi giới còn ngang nhiên mạo danh các doanh nghiệp bất động sản đã có tên tuổi, uy tín để gây hiểu nhầm cho khách hàng.
Cụ thể, Công ty cổ phần địa ốc Him Lam đã từng cảnh báo về việc nhiều môi giới lợi dụng tên, logo, màu sắc thương hiệu của doanh nghiệp này để in ấn tờ rơi, quảng cáo rao bán dự án đất nền tại một số khu vực trên địa bàn TP.HCM.
Một ông lớn khác là Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cũng từng nhận được phản ánh về việc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) - một đơn vị không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào với Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - đã có hành vi sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
Theo đó, Nam Long Real đã sử dụng biển hiệu, giấy tờ giao dịch và phương tiện kinh doanh (trang thông tin điện tử namlongreal.vn) khi thực hiện các giao dịch, chuyển nhượng đất nền tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, … Hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này không chỉ gây ra hiểu nhầm cho nhiều khách hàng mà còn phương hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu đã được tạo dựng và phát triển lâu nay của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long.
Ngay sau đó, đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công An đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của Nam Long Real. Đoàn đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với Nam Long Real, do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Nam Long".
Người mua cần tỉnh táo
Anh Duy, một môi giới bất động sản tại quận 9 chia sẻ, tình trạng chủ đầu tư chưa mở bán nhưng thông tin giới thiệu dự án xuất hiện nhiều trên mạng là điều không bất ngờ. Bởi trước khi dự án được thành hình, thậm chí khi chỉ nghe về dự án là nhiều sàn môi giớiđã tìm mọi cách lấy những thông tin cơ bản để khai thác.
“Chỉ cần biết vị trí, tên dự án, chủ đầu tư là họ đã có thể chạy truyền thông để mời gọi, kết nối với khách hàng. Một dự án có nhiều sàn môi giới với hàng ngàn con người tham gia, nếu chậm thông tin sẽ không thể cạnh tranh”, anh Duy chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Duy khẳng định việc đưa thông tin sớm như vậy là để kết nối với khách hàng, thông báo cho họ biết sắp tới sẽ có dự án như vậy, nếu được thì “giữ mối” sẵn. Khi chủ đầu tư có chính sách mở bán, nhận đặt cọc giữ chỗ thì mới chính thức nhận tiền, ký kết hợp đồng với người mua. Chỉ một số ít sàn, môi giới làm ăn không uy tín mới vượt mặt chủ đầu tư để thu tiền đặt cọc, đây là hành vi lừa đảo.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết với hành vi của một số sàn bất động sản, môi giới lợi dụng hình ảnh, thương hiệu của các dự án quy mô lớn và các chủ đầu tư danh tiếng, hoạt động kinh doanh chân chính hòng trục lợi có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm.
Doanh nghiệp có thể căn cứ vào Điều 592 Bộ Luật dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Luật sư Phượng khuyến cáo, người mua nhà đất cần tỉnh táo khi tiếp cận những thông tin rao bán dự án trên các trang mạng, mạng xã hội. Chỉ nên tìm hiểu từ chủ đầu tư, các sàn môi giới được chủ đầu tư ủy quyền để có thể có những thông tin chính xác nhất.
-
Loạn thông tin rao bán, chủ đầu tư Mường Thanh Gò Vấp lên tiếng
CafeLand – Trên các trang mạng đang xuất hiện rầm rộ thông tin rao bán, mời gọi đặt chỗ dự án Mường Thanh Gò Vấp do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khẳng định dự án chưa mở bán và yêu cầu công an xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai sự thật về dự án này.
-
Mức thu lệ phí cấp sổ đỏ hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh
Hiện nay, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thực tế thường gọi là sổ đỏ/sổ hồng) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo Phụ lục 1C ban hành kèm theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND. Cụ ...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....
-
Đề xuất giảm vốn đầu tư, gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến hết tháng 9/2026.