Suốt một thời gian dài, cuộc chiến giữa cư dân và các chủ đầu tư liên quan đến phí bảo trì tưởng như không có hồi kết, vậy nhưng, với các quy định mới của cơ quan quản lý Nhà nước, cư dân sống ở các khu nhà chung cư hy vọng bài toán đã có lời giải.
Theo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được ban hành, thì kể từ ngày 10- 12 tới đây, các chủ đầu tư cố tình “chây ì” bàn giao phí bảo trì chung cư sẽ bị cưỡng chế.
Câu chuyện cư dân gian nan đòi 160 tỷ tiền phí bảo trì của chung cư cao cấp Keangnam là câu chuyện ồn ào nhất trong các vụ tranh chấp về phí bảo trì thời gian qua. Đã có Ban quản trị được 3 năm nay, tuy nhiên, đến nay cư dân chung cư cao cấp Keangnam vẫn chưa nhận được hơn trăm tỉ đồng phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư này.
Theo Công ty Keangnam Vina, số tiền này đã được thu từ trước 2011, được chuyển vào tài khoản chung của công ty và đã đưa vào kinh doanh (không tách riêng như quy định). Cư dân tòa nhà đã nhiều lần đối thoại với chủ đầu tư, gửi kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng, thậm chí cư dân còn gửi cả kiến nghị đến Chính phủ để đòi quyền lợi.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội vào cuộc. Chính quyền Hà Nội vào cuộc, chủ đầu tư hứa sẽ trả lại khoản tiền để bảo trì tòa nhà này nhưng đến nay vẫn chỉ là những lời “hứa suông”.
Kể từ ngày 10-12 tới đây, chủ đầu tư nào không bàn giao phí bảo trì chung cư theo đúng quy định sẽ bị cưỡng chế.
Theo tìm hiểu của PV, tại những khu chung cư tranh chấp về phí bảo trì đã tạm thu lên tới hàng trăm tỷ đồng như: The Manor (Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), The Light… đáp số chung là tất cả đều đang có số tiền nợ phí cao và đại diện các chủ đầu tư đều loanh quanh biện giải. Thậm chí, đại diện Ban quản trị tòa nhà The Light (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn cho biết, chủ đầu tư nói chưa có hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) nên chưa bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị.
Phân tích nguyên nhân chây ì này, luật sư Trần Quang Khải (Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Phát) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư “chây ì” khoản tiền phí bảo trì đó là do thị trường bất động sản thời gian qua đóng băng nên nhiều chủ đầu tư cố tình không bàn giao tiền bảo trì chung cư cho Ban quản trị. Trong khi đó, tư cách pháp nhân của Ban quản trị tòa nhà chưa có nên việc kiện cáo rất phức tạp.
Quy định trong Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở vừa được ban hành thì kể từ ngày 10-12 tới đây, chủ đầu tư nào cố tình “chây ì” khoản tiền phí bảo trì này sẽ bị cưỡng chế.
Với quy định mới, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Với nhiều điều khoản quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì 2% phí bảo trì chung cư sẽ không dễ bốc hơi, tiền phí bảo trì không dễ để lấy, để rút ra hay chủ đầu tư dễ dàng chiếm dụng…”.
Ông Khởi cho biết, theo quy định mới, 2% phí bảo trì sẽ được chuyển vào tài khoản tại một ngân hàng do chủ đầu tư đứng tên, nhưng chủ đầu tư không thể rút tiền ra vì tài khoản này bị phong tỏa. Sau khi Ban quản trị nhà chung cư có đủ tư cách thì số tiền này sẽ được chuyển sang tài khoản của Ban quản trị. Tiền chỉ được rút khi có đủ chữ ký của tất cả các thành viên của Ban quản trị. Ban quản trị thay mặt cư dân trong chung cư đứng ra quản lý, sử dụng số tiền do cư dân đóng góp. Luật cũng quy định, sau khi bàn giao nhà, chủ đầu tư vẫn có thể quản lý chung khu chung cư nếu có chức năng này trong đăng ký kinh doanh.
Theo Luật sư Trần Quang Khải thì Nghị định mới hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được ban hành là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp chung cư, trong đó đáng lưu ý là các tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. Với chủ đầu tư nào “chây ì” thì Ban quản trị có quyền gửi văn bản đề nghị chính quyền mà cụ thể ở đây là UBND cấp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. UBND cấp tỉnh sẽ ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí và thời hạn không quá 7 ngày. Nếu quá hạn bàn giao khoản phí này theo quyết định thì UBND cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm ra quyết định cưỡng chế để thu hồi khoản phí trên.
“Tôi cho rằng đây là một quy định cần thiết để giải quyết các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư ở các khu nhà chung cư hiện nay, Luật sư Khải cho hay.