Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa ký Chỉ thị số 01/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai huyện Vạn Ninh khi huyện này có chủ trương xây dựng thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Nhiều người dân ở Phú Quốc san lấp mặt bằng để phân nền bán đất Ảnh: CÔNG TUẤN
Báo Người Lao Động trước đó đã thông tin về việc nhiều người đến huyện Vạn Ninh mua đất đai nhằm đón đầu đặc khu Bắc Vân Phong, tạo nên tình trạng "sốt đất". Nhiều lô đất trước đây chỉ có giá hơn 100 triệu đồng đến nay đã được đẩy lên 600-700 triệu đồng. Các "cò đất" quảng cáo thông tin mơ hồ về đặc khu, "chạy dự án" du lịch cho đối tác để làm dự án… khiến tình hình mua bán đất đai trở nên phức tạp. Đến nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Để chấn chỉnh, tại chỉ thị, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu huyện Vạn Ninh tăng cường phổ biến pháp luật về đất đai nhằm nâng cao ý thức cho người dân; chỉ đạo các xã áp dụng các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. "Tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra các vi phạm về sử dụng đất đai và trách nhiệm công vụ để xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý cố ý hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều vi phạm trên địa bàn quản lý" - chỉ thị nêu rõ.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, các sở - ngành liên quan chỉ đạo và thống nhất các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ với quy hoạch để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, không để lãng phí đất đai, sử dụng sai mục đích.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Hoàn Hải, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, cho biết Huyện ủy vừa họp chỉ đạo với Đảng ủy, chính quyền các xã yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa. "Thực tế tìm hiểu chúng tôi cũng ghi nhận giá cả đất đai hiện nay mang tính "bong bóng", sốt ảo, bị các "cò đất" đồn thổi, nâng giá… Chúng tôi đã yêu cầu các xã phổ biến cho người dân được rõ không để các cò đất trục lợi. Đồng thời, yêu cầu cán bộ không được giới thiệu mua bán đất đai, gây mất uy tín, nảy sinh tiêu cực" - ông Hải nói.
Thời gian gần đây, trước thông tin Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ trở thành đặc khu kinh tế thì tình hình đất đai ở "đảo ngọc" này ngày càng "sốt" hơn bao giờ hết. Chính vì giá đất đang tăng chóng mặt nên không ít hộ dân ở Phú Quốc san lấp mặt bằng để phân lô, phân nền để bán; thậm chí nhiều hộ còn ngang nhiên lấn suối, lấn rạch…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, kiểm soát chặt việc mua bán, chuyển nhượng. Cụ thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt; có biện pháp ngăn chặn tình trạng mua đất đã có quy hoạch dự án, đất không rõ nguồn gốc, đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng... Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang là toàn bộ đất đai trên địa bàn phải được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về việc xử lý tranh chấp, khiếu nại đất đai, tình trạng "bảo kê" cho chủ đầu tư chiếm đất xảy ra thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ việc, xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, một số đối tượng đã bị bắt giữ để điều tra.