06/09/2019 7:52 PM
CafeLand - Yêu cầu phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản sẽ được các địa phương mạnh tay thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tài chính, đây là việc cần phải làm nhưng sẽ rất khó.

Đâu là dấu hiệu rửa tiền?

Sở Xây dựng TP. HCM vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới và các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố, yêu cầu nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

Chống rửa tiền qua bất động sản, cần nhưng khó

Cụ thể, sở này yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, cập nhật quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nếu đã ban hành hoặc gửi quy định ban hành mới hoặc bản cập nhật về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) trước ngày 15/9/2019 để thống kê, theo dõi, phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Đáng chú ý, sở yêu cầu các doanh nghiệp cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền theo đúng quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền.

Trong văn bản 1590 của Bộ xây dựng gửi sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đó, cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản đang hoạt động “lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên)”.

Như vậy, nếu theo văn bản trên, tất cả các giao dịch mua bán bất động sản bằng tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên đều sẽ bị đặt vào dạng “kiểm soát”, “nghi vấn” của Cục Phòng, chống rửa tiền của NHNN.

Tuy nhiên, các quy định trước đó về phòng chống rửa tiền của NHNN, Luật Phòng chống rửa tiền (năm 2012) chưa có quy định cụ thể về số tiền với từng giao dịch được dùng để làm dấu hiệu nhận biết hiện tượng rửa tiền qua giao dịch bất động sản.

Khoản 7 điều 22 Luật Phòng chống rửa tiền quy định: Dấu hiệu rửa tiền qua giao dịch bất động sản gồm: các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả; khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá thị trường.

Cần kiểm soát, nhưng khó thực hiện

Đánh giá về yêu cầu quản lý hành vi rửa tiền qua kênh bất động sản, đa số các chuyên gia đều nhận định là cần thiết, nhưng để thực hiện được không phải dễ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định rằng tại Việt Nam, nhiều đối tượng đã lợi dụng giao dịch bằng tiền mặt để biến tiền "bẩn" từ các hoạt động tội phạm, tham nhũng để đầu tư bất động sản nhằm rửa tiền.

Tuy nhiên, để chống rửa tiền qua kênh bất động sản không phải dễ vì giao dịch mua bán bất động sản vẫn dùng tiền mặt rất nhiều. Vì vậy, để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, ông Hiếu cho rằng, các quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt.

“Với cách làm này, khi tiền đã qua ngân hàng, các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và báo cáo lên các cơ quan chức năng khi có sai phạm”, ông Hiếu nói.

Báo cáo tóm tắt “Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố” cho thấy, bất động sản cùng với ngân hàng là hai lĩnh vực đứng hàng đầu về nguy cơ rửa tiền. Bất động sản được đánh giá là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua đều bị điều tra về rửa tiền. Trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho biết hiện nay Luật Kinh doanh Bất động sản không quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn và người mua cũng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Do vậy, số lượng giao dịch qua sàn không nhiều nên báo cáo cũng không phản ánh được hết thực tế giao dịch trên thị trường.

"Nếu muốn kiểm soát rửa tiền thì cần phải quy định tất cả giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng. Đồng thời cả tài chính, thuế vào cuộc mới giải quyết được vấn đề", ông Châu nói.

  • Bất động sản công nghiệp chờ đón làn sóng đầu tư

    Bất động sản công nghiệp chờ đón làn sóng đầu tư

    CafeLand - Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua đang phát đi những tín hiệu tích cực cho phân khúc bất động sản công nghiệp. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất, trong đó có cả nhà xưởng xây sẵn.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.