12/07/2011 1:21 AM
Không chỉ khó khăn vì siêu lãi suất, nhiều doanh nghiệp tại các thành phố lớn đang điêu đứng trước việc cơ quan thuế áp dụng phí thuê đất theo quy định mới, với mức tăng có nơi tới gần 20 lần. Động thái này đang tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp sản xuất dù không muốn nhảy vào lĩnh vực bất động sản vẫn buộc phải bắt đất đẻ "vàng" và bị phân tán nguồn lực.

Dù biết trước phí thuê đất sẽ tăng, song tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết đã ngỡ ngàng khi đọc thông báo của cơ quan thuế gửi tới DN. Năm 2010, khu đất có diện tích 12.000 m2 sử dụng vào mục đích cho thuê kho bãi của DN này phải nộp 38,88 triệu đồng tiền thuê đất; năm 2011, theo tính toán của Chi cục thuế Thường Tín (Hà Nội), DN phải nộp 516 triệu đồng. Tại quận Hoàng Mai, diện tích đất cho thuê kho bãi của DN là 1.230 m2, năm 2010, số tiền thuê đất nộp cho Nhà nước là 35,95 triệu đồng thì năm 2011, số tiền lên tới 128,4 triệu đồng. Tại huyện Gia Lâm, với diện tích đất thuê 5.065 m2, năm 2010 DN phải nộp tiền thuê đất 15,1 triệu đồng; thông báo của cơ quan thuế đưa ra năm 2011, DN phải nộp 109,55 triệu đồng.


Lãnh đạo DN cho biết, không phải toàn bộ diện tích đất nộp thuế DN đều có thể dùng để cho thuê, bởi còn phải cắt bớt diện tích làm đường và các hạ tầng khác. Trong khi đó, đơn giá cho thuê kho bãi năm 2010 là 30.000 đồng/m2/tháng, năm 2011 này, công ty chỉ có thể tăng giá lên 35.000 đồng/m2/tháng và không thể đột ngột tăng giá mạnh theo tiền thuê đất của Nhà nước. Nghiệp vụ cho thuê kho bãi của DN đang đứng trước khả năng lỗ nặng.


Trong một cuộc họp gần đây của CLB Nữ doanh nhân Hà Nội, phí thuê đất cũng là chủ đề nóng bỏng. Phần lớn hội viên của CLB đều là những chủ DN có quy mô nhỏ, hoạt động trong những ngành như sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hoặc may mặc. Do phí thuê đất đội lên rất cao nên DN cho thuê đất điều chỉnh giá cho thuê trong hợp đồng tương ứng hoặc phần lớn trong các hợp đồng thuê nhà xưởng hiện nay đều quy định: bên thuê đất chịu mọi chi phí về nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Do tiền thuê đất tăng lên quá mức, cộng thêm cả chênh lệch trả cho DN có đất, những DN này đang điêu đứng và có thể phải đóng cửa do không có mặt bằng sản xuất.


Bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloite cho biết, nhiều khách hàng của Công ty đang mắc về vấn đề này. Có những DN sản xuất như Gạch Thạch Bàn có diện tích nhà xưởng rất lớn, nhưng lợi nhuận từ sản xuất gạch khó có thể đủ lãi để trả cho chi phí thuê đất và các chi phí khác.


Các DN tại Hải Phòng cũng đã có phản ứng gay gắt về vấn đề này thông qua tiếng nói với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, CTCP Ôtô Hải Phòng cho biết, tiền thuê đất năm 2010 phải nộp là 626 triệu đồng, nhưng năm 2011 lên tới 3,185 tỷ đồng, tăng 5 lần; CTCP Xây dựng số 9 năm 2011 phải nộp 555 triệu đồng, tăng 10 lần; CTCP Đồ hộp Hạ Long có tiền thuê đất năm 2010 là 681 triệu đồng, thì năm 2011 phải nộp 6,316 tỷ đồng, tăng 9,2 lần…


Thông báo của các chi cục thuế được đưa ra dựa trên việc triển khai Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 30/12/2010, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Quy định này buộc các DN phải sử dụng tài nguyên đất đai hiệu quả hơn, hạn chế việc các DN có nguồn gốc nhà nước được giao đất diện tích lớn, không có kế hoạch sử dụng hợp lý và cho thuê lại kiếm tiền chênh. Tuy nhiên, đánh đồng các DN chung một rổ như trên đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho các DN sản xuất. Không thể tiếp cận được cả vốn vay và mặt bằng sản xuất, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa.


Với các DN có tài nguyên đất, dù giá cho thuê của Nhà nước rất cao, nhưng khó có thể nói DN từ bỏ quyền lợi này. Tuy nhiên, với những nghiệp vụ truyền thống, họ không thể kiếm đủ lợi nhuận để trả tiền thuê đất. Thực tế này đang buộc nhiều DN ở thế: không muốn vẫn phải đầu tư bất động sản để tăng hiệu quả sử dụng đất đai.


Lãnh đạo một DN cho hay, trong năm nay quyết tâm liên doanh liên kết với các đối tác để biến khu nhà xưởng sản xuất bánh kẹo hiện tại thành cao ốc, trung tâm thương mại. Việc này ngốn khá nhiều thời gian và công sức của ban lãnh đạo thay vì dành cho tập trung sản xuất ngành nghề chính.

Theo Thủy Nguyễn (ĐTCK Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.