Cần phải có quy định để chống cho vay nặng lãi, nhưng cần tính kỹ thêm, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 24/8 tiếp tục ghi nhận nhiều băn khoăn về quy định lãi suất trong trong hợp đồng vay tài sản tại Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng nên quy định mức lãi suất cố định trong giao dịch dân sự.

Cố định hay linh hoạt?

Điều 483 dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách về hai phương án.

Phương án một là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác.

Còn phương án hai là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác.

Lý lẽ nào để nâng từ 150% của quy định hiện hành lên 200%? Đại biểu Lê Nam đặt lại câu hỏi nhiều vị cũng đã từng đặt ra qua nhiều phiên bàn thảo. Theo ông Nam, nếu không đủ lý lẽ thì nên giữ như cũ.

Vị đại biểu này cũng cho rằng trong giao dịch dân sự chỉ có các trường hợp vô cùng đặc biệt mới không thỏa thuận về lãi suất và cần pháp luật bảo vệ, còn nếu đã có sự thỏa thuận thì thôi không can thiệp để làm luật pháp phức tạp thêm.

Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trong cơ chế thị trường là thực sự khó.

Nếu vay 1 tỷ để mua một lô hàng về bán được 3 tỷ thì lãi suất bao nhiêu chả vay, tội cho vay nặng lãi nên đánh vào xã hội đen có tính chất chuyên nghiệp, chứ không nên đánh vào cho vay bình thường, ông Thuyền góp ý.

Nâng lên 200% thì theo cơ sở khoa học nào, mức cố định thì cũng e ngại trong cơ chế thị trường, phải có sự cân nhắc kỹ, ông Thuyền góp ý.

Không đồng tình với cả hai phương án, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng lãi suất là cái giá phải trả cho sử dụng vốn, và sử dụng vốn phụ thuộc vào ba yếu tố, trong đó có yếu tố rủi ro.Và quy định của luật không thể nào chế định được các yếu tố đó.

Ông Lịch cho rằng pháp luật chỉ nên xử lý trong trường hợp cho vay nặng lãi có yếu tố cưỡng bức về tinh thần.

Một số ý kiến khác cho rằng, nhất định phải có trần lãi suất để chống cho vay nặng lãi.

Phó thống đốc nói gì?

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dự án Bộ luật Dân sự nói chung và vấn đề lãi suất nói riêng đã được lấy ý kiến rộng rãi trong hệ thống ngân hàng.

Nếu chỉ đặt trong quan hệ dân sự thì có phạm vi khác nhưng nếu bao trùm cả hoạt động ngân hàng thì phải xem xét ở khía cạnh khác, ông Tiến nói.

Về cơ sở để nâng mức quy định từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản, ông Tiến nói là “không dám tham gia”. Tuy nhiên, Phó thống đốc cũng đồng tình với lập luận của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là nếu cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn - theo nhiều ý kiến đề nghị - cũng có chức năng tương tự như vậy.

Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của một hay một số ngân hàng thương mại có tỷ trọng tín dụng lớn, hay lãi suất trái phiếu Chính phủ... cũng là những mức lãi suất không phổ biến và không dễ tiếp cận với phần lớn người dân.

"Vì vậy chúng tôi đề nghị theo phương án một là không tham chiếu lãi suất nào cả mà quy định mức lãi suất cứng, cụ thể theo phương án một là 20%/năm", ông Tiến thể hiện quan điểm của Ngân hàng Nhà nước.

“20% thì chúng tôi hiểu là trước đây theo lãi suất cơ bản là 9% thì 150% là 13% , có thể có ý kiến cho là hơi thấp nên nâng lên 200% có nghĩa là 18% /năm và mức này có lẽ là phù hợp”, Phó thống đốc diễn giải thêm.

Để dễ thực thi pháp luật thì nên quy định một mức cứng là 20%, còn quy định theo các mức lãi suất như trên thì đều có thể thay đổi thì tham chiếu khá phức tạp nên nên theo phương án một ông Tiến bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, để rõ ràng hơn, ông Tiến kiến nghị nên nói rõ hơn theo hướng là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại được cấp phép theo quy định của pháp luật của ngân hàng.

Chống cho vay nặng lãi thì phải có mức trần chứ nếu thỏa thuận thì đồng nghĩa không có tội cho vay nặng lãi, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào phát biểu.

Ông Hào cũng lo ngại nếu để cố định là 20%/năm thì khi có biến động về tiền tệ thì phải sửa luật. Nếu có lãi suất cơ bản thì linh hoạt hơn, hiện nay tòa án xét xử vẫn dựa theo lãi suất cơ bản từ 2009 đến nay, ông Hào nói.

Cũng tham góp về lãi suất, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói rằng trước các quan điểm còn khác nhau, cá nhân ông rất mong chờ ngành ngân hàng có ý kiến. Nhưng, nghe Phó thống đốc nói xong thì “thấy mông lung quá, không biết bao nhiêu phần trăm là hợp lý”.

Cũng như nhiều vị khác, ông Sơn đề nghị dứt khoát là phải có trần thì sau này mới xử được. Dân thiệt hại thì mình phải xử, vấn đề là mức thế nào là phù hợp, đưa số cố định thì phải sửa luật thì không được, ông băn khoăn.

Theo đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) thì nên quy định mức lãi suất tham chiếu là lãi suất cao nhất của một ngân hàng cấp huyện cùng thời điểm, do người cho vay lựa chọn.

Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.