2010: Chờ đợi. 2011: Vùng vẫy. 2012: Thách thức.
Chờ trời sáng

Điểm sáng duy nhất trên thị trường bất động sản trong năm qua là mảng căn hộ dịch vụ. Trong khi 3 phân khúc chủ đạo gồm nhà ở để bán, văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ lại gặp nhiều khó khăn.


Nếu như năm 2010 tâm trạng của thị trường bất động sản Việt Nam được diễn tả đầy đủ nhất trong 2 chữ “chờ đợi” thì năm 2011, 2 chữ “vùng vẫy” có lẽ là thích hợp nhất.

Chỉ một điểm sáng yếu ớt

Tiếp nối thời gian trầm lắng kéo dài hơn 3 năm, năm 2011, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa cho thấy sự phục hồi nào, dù trước đó vào cuối năm 2010, một số chuyên gia đã dự báo rằng tình hình sẽ cải thiện sau quý II/2011. Nhìn lại các báo cáo tổng kết thị trường bất động sản cho đến quý III/2011 của các công ty nghiên cứu thị trường, điểm sáng duy nhất là mảng căn hộ dịch vụ. Tuy nhiên, đây lại là một phân khúc quá nhỏ của thị trường. Ba phân khúc chủ đạo gồm nhà ở để bán, văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đối với mảng căn hộ, tính đến quý III/2011, TP.HCM còn tồn khoảng 60.000 căn hộ. Trong khi đó, ở phân khúc văn phòng, công suất thuê cũng chỉ đạt 80% trong tổng số gần 1,2 triệu m2 từ 184 tòa nhà trên thị trường. Ở thị trường bán lẻ, công suất cho thuê cũng chỉ đạt 86%, trong tổng số 620.000 m2 diện tích.

Quan sát động thái của các doanh nghiệp bất động sản trong năm qua cũng có thể nhận thấy họ đang lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Hàng loạt kế sách bán hàng đã được áp dụng, nhiều lần chiến lược kinh doanh phải thay đổi để có thể tồn tại.

Viêc chuyển nhượng dự án không còn là xu hướng mà là chuyện đã thành hiện thực. Ít nhất có gần 10 vụ chuyển nhượng dự án, từ căn hộ, tòa nhà văn phòng cho đến bán lẻ đã được công bố. Con số này được dự báo sẽ còn tăng cao khi nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào bước đường cùng. Một diễn biến quan trọng khác là thị trường căn hộ đã chứng kiến những đợt giảm giá mạnh trong năm qua. Tiêu biểu là đợt đại hạ giá tới 20-35% của An Tiến (huyện Nhà Bè) vào tháng 11.2011.

2012: Thách thức mang tên niềm tin

Xu hướng giảm giá được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012. Theo ông David Blackhall, Phó Giám đốc Điều hành tại VinaCapital, giá căn hộ chung cư ở TP.HCM sẽ giảm từ 10-15% trong năm 2012. Tuy nhiên, giảm giá không phải là vấn đề quan trọng nhất của thị trường. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn NCĐT gần đây, ông Marc Townsend, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, cho rằng, thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2012 là làm sao lấy lại niềm tin ở những người đã bị thua lỗ hay phải rời bỏ thị trường trong 2 năm qua.

Có thể thấy sau sự kiện giảm giá của An Tiến, nhiều người mua đang chờ cho giá căn hộ giảm hơn nữa. Điều này đang tạo áp lực lên các chủ đầu tư khi không thể bán được hàng dù đã giảm giá.

Cuối năm luôn là thời điểm nhiều chuyên gia đưa ra các nhận định về thị trường bất động sản của năm tiếp theo, nhưng năm nay rất ít người đưa ra dự đoán. Theo ông Townsend, một số nhà đầu tư cho biết sẽ quay lại thị trường khi có cơ hội, cụ thể là khi tỉ giá, lãi suất và lạm phát giảm. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng khi nào thời điểm đó sẽ đến, ông đã không thể trả lời. “Đã nhiều lần tôi dự đoán sai thời điểm phục hồi của thị trường. Vì vậy, tôi sẽ không dự đoán nữa”, ông nói.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành, cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, rất khó để dự đoán. “Ai cũng nói là sẽ khó khăn và thực tế cũng cho thấy điều đó vì chúng ta chưa thấy một tín hiệu hay giải pháp rõ ràng nào từ chính sách vĩ mô”, ông cho biết.

Trong khi đó, theo ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), bức tranh thị trường đang xám xịt khi sức mua chậm trong bối cảnh nguồn cung dồi dào. Triển vọng thị trường năm 2012 vẫn còn mờ mịt. Cho dù sắp tới lãi suất có thể hạ xuống nhưng khó có thể hy vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục trong một sớm một chiều.

Trên thực tế, với việc tồn kho khoảng gần 200.000 căn hộ (trong đó có khoảng 60.000 căn ở TP.HCM), nếu không có sự cải thiện về khả năng bán hàng, các doanh nghiệp bất động sản sẽ lâm nguy.

Ngay cả một doanh nghiệp bất động sản lớn, có tiềm lực tài chính mạnh như Hoàng Anh Gia lai (HAGL), cũng được dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm 2012. Mới đây, tổ chức đánh giá tín nhiệm Mỹ Standard & Poor’s đã hạ bậc tín dụng của HAGL từ B xuống B-. Nguyên nhân là hiệu quả kinh doanh của HAGL sẽ ở mức yếu trong 6-12 tháng tiếp theo do bị những khó khăn của thị trường bất động sản tác động.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, tại một hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng được tổ chức vào giữa tháng 12.2011, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thị trường bất động sản không thể tách rời khỏi kinh tế vĩ mô. Năm 2012, Chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà kiềm chế lạm phát với tăng trưởng hợp lý và điều này sẽ tác động đến thị trường bất động sản. “Hiện nay, chúng ta đã khó khăn thì sang năm 2012 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm”, ông dự báo. Còn theo ông Hiếu, Thuduc House, kịch bản lạc quan nhất là đến hết quý III/2012 hay quý IV, thị trường mới có thể bình ổn và hy vọng sẽ sáng sủa hơn vào năm 2013.

Một số chuyên gia đã đưa ra dự đoán, nhưng dự đoán vẫn chỉ là dự đoán. Thị trường bất động sản Việt Nam thường có những diễn biến rất khó lường.
Theo Nguyễn Hùng (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.