12/12/2011 2:47 AM
Quý III/2011, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ (MBBL) tại Hà Nội không thay đổi, nhưng tại TPHCM đã giảm nhẹ. Theo khảo sát của hai Cty nghiên cứu thị trường địa ốc CBRE và Knight Frank, MBBL sẽ gặp phải áp lực giảm giá trong quý IV/2011 và có thể sang cả quý I/2012 khi nguồn cung tăng mạnh.

Nguồn cung tiếp tục tăng


Cuối tháng 11.2011, trung tâm thương mại (TTTM) Cresent Mall tại Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) khai trương đã góp thêm 45.000m2 vào tổng diện tích MBBL 658.000m2 trong quý III trước đó tại TPHCM. Cùng với đó, khối đế thương mại của tòa nhà Bitexco Finance Tower và Kumho Link đã được khai trương trong quý IV cũng đã cung cấp thêm đáng kể diện tích MBBL hạng sang. Theo Knight Frank, nguồn cung MBBL từ các dự án tại TPHCM trong 5 năm tới sẽ đẩy tổng diện tích lên hơn 1.680.000m2.


Theo khảo sát của CBRE, trong quý III/2011, tổng diện tích MBBL tại Hà Nội ở mức 134.500m2, trong đó TTTM Hàng Da Galleria đi vào hoạt động đã góp thêm 6.600m2. Tuy nhiên trong quý IV/2011 và quý I/2012, hàng loạt dự án MBBL hoàn thiện sẽ tạo thêm áp lực lên các dự án tương lai. Cụ thể, dự án Keangnam cung cấp thêm 97.000m2 sàn, Savico Mega Mall góp thêm 63.400m2 và Vincom Center Long Biên cung cấp thêm 45.000m2.


Lạm phát cao và kinh tế khó khăn đã khiến cho lượng khách đến các trung tâm mua sắm giảm từ 10%-30% trong thời gian qua. Night Frank dự báo, thị trường bán lẻ có thể còn khó khăn kéo dài đến thời điểm tết năm sau. Trên thực tế, không ít khách thuê MBBL đã phải gắng gượng đối mặt với khó khăn vì doanh thu bán lẻ giảm trong khi giá thuê mặt bằng lại cao. CBRE cho rằng, đây chính là thời điểm khách thuê có nhiều lựa chọn hơn trong đàm phán để đạt được các điều khoản hợp đồng hấp dẫn khi thuê địa điểm mới.


Cho thuê mặt bằng bán lẻ: Nguồn cung tạo áp lực giảm giá
Big C đang có kế hoạch mở rộng thêm nhiều hệ thống bán lẻ trong thời gian tới.

Kỳ vọng trung và dài hạn


TTTM Cresent Mall (TPHCM) mới khai trương được cho rằng đã lắp đầy 70% công suất với các thương hiệu như Giant Supermarket, Megastar Cinemas, TiniTown, Gap, Niketown và Tập đoàn giải trí 101. Tuy nhiên, áp lực đối với các thương hiệu này là trong giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn lớn khi khách đến thưa. MBBL hạng sang thời gian qua cùng gặp khó khăn chung như vậy vì kinh tế khó khăn, người dân chắt bóp chi tiêu. Điều này phần nào thể hiện qua giá thuê mặt bằng tại Hà Nội theo khảo sát của CBRE trong quý III/2011: Giá chào thuê trung bình MBBL khu trung tâm đã giảm 4,3% so với năm trước, tuy nhiên ở khu vực ngoài trung tâm thì thay đổi tăng.


Thế nhưng khu vực bán lẻ hàng thực phẩm, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng khách đến vẫn gia tăng. Thậm chí trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tìm đến các loại hàng hóa có mức giá vừa phải thay cho hàng hóa cao cấp, sang trọng. Khu vực bán lẻ này đang khá chộn rộn khi hàng loạt thương hiệu đã triển khai các kế hoạch tại VN. Tháng 9.2011 Lotte Mart công bố tăng thêm vốn đầu tư tại VN thêm 50 triệu USD và sẽ mở thêm siêu thị thứ ba trong tương lai gần. Thương hiệu này có kế hoạch mở 30 siêu thị, TTTM tại VN đến năm 2018. Một thương hiệu bán lẻ khác của Hàn Quốc là E-Mart cũng đã hợp tác với Tập đoàn U&I tại VN mở 52 siêu thị, cửa hàng, trung tâm phân phối với số vốn 1 tỉ USD đến năm 2020. Làn sóng đầu tư bán lẻ Châu Á đang hiện diện mạnh mẽ tại VN thay vì là các thương hiệu đến từ Mỹ và Châu Âu. Tình hình này góp phần thúc đẩy MBBL ngoài các TTTM hạng sang nóng lên trong những năm tới.


Các chuỗi bán lẻ cửa hàng tiện lợi được hâm nóng hơn nhờ sự tham gia của các thương hiệu đến từ Nhật Bản. Familymart bắt tay với Tập đoàn Phú Thái sẽ mở khoảng 300 cừa hàng trong 3 năm tới. Một thương hiệu cửa hàng tiện lợi khác cũng của Nhật Bản là Aeon, với kế hoạch vào thị trường VN từ năm 2013. Nhật Bản là cường quốc bán lẻ phương thức cửa hàng tiện lợi. Khi các thương hiệu lớn trong lĩnh vực này vào VN, sẽ làm gia tăng nhu cầu MBBL tại các khu trung tâm.

Theo Thế Lâm (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.