Chỉ cách nhau 300m, một chợ được xây dựng khang trang, hiện đại rồi bỏ hoang; một chợ bị cơi nới vô tội vạ vì quá đông! Đó là những gì đang diễn ra ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, gây bức xúc trong dư luận.

Xây chợ tiền tỷ rồi để... hoang

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, phục vụ khách tham quan Khu di tích lịch sử - văn hóa Cổ Loa, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã quyết định xây dựng chợ du lịch - văn hóa Cổ Loa trên nền chợ Sa cũ, tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước. UBND thành phố giao cho huyện Đông Anh làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng vào tháng 4-2003. Đến tháng 4-2005, chợ hoàn thành, được đưa vào sử dụng.

Chợ du lịch - văn hóa xã Cổ Loa bị bỏ hoang hơn 8 năm nay.
Chợ du lịch - văn hóa xã Cổ Loa bị bỏ hoang hơn 8 năm nay.

Nhìn tổng thể, chợ có thiết kế đẹp, lấy cảm hứng từ những nét hoa văn thời văn minh Âu Lạc, gồm có chợ trung tâm, chợ ngoài trời, nhà để xe, đường giao thông nội bộ và các công trình phụ trợ như tường rào bao quanh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Ngay sau khi hoàn thành, huyện Đông Anh đã tiến hành phát hồ sơ mời thầu, nhưng không có cá nhân, đơn vị nào đến đăng ký, đấu thầu. Trong hơn 8 năm qua, chợ du lịch - văn hóa Cổ Loa nằm trong quy hoạch quần thể di tích lịch sử - văn hóa Cổ Loa nổi tiếng đã bị bỏ hoang, trở thành "sự khó xử" cho các cấp chính quyền huyện Đông Anh. Một người dân ở đây nói: "Không biết xây chợ để làm gì khi người dân vẫn bán hàng đầy ngoài đường, chợ thì bỏ hoang. Các anh vào mà xem, hư hỏng hết rồi...". Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ khu vực chợ rộng khoảng 4.500m2 với nhiều hạng mục công trình hoành tráng hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Xót xa nhất là ngôi nhà hai tầng trung tâm rộng gần 2.000m2 bề thế, hệ thống cửa gỗ chạy quanh đã bị mối mọt, khóa hư hỏng, cửa kính bị đập vỡ. Ở phía trên, từng mảng trần nhựa rơi rụng; trên bờ tường bao quanh nhiều chỗ bị thấm nước loang lổ, bong tróc. Sân bê tông rộng hàng nghìn mét vuông cũng bị nứt toác nhiều chỗ, trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho rằng, quy định buôn bán ở chợ gồm các mặt hàng khô, hàng lưu niệm là không phù hợp với thực tế nên không thu hút được người dân vào đây buôn bán. Thêm nữa, khách du lịch đến Khu di tích lịch sử - văn hóa Cổ Loa không nhiều, thời gian lưu lại ít, việc trao đổi, mua bán hàng lưu niệm là rất hạn chế. Hiện tại, xã Cổ Loa đang phải trích ngân sách 500.000 đồng/tháng để thuê thôn Phố Chợ trông coi, quản lý chợ.

Rõ ràng, việc đầu tư tiền tỷ xây chợ du lịch - văn hóa Cổ Loa đã không đạt được mục đích. Xã Cổ Loa đã đề nghị huyện Đông Anh và thành phố cho phép chuyển đổi công năng của chợ với hình thức thuê dài hạn, tránh lãng phí. Song, đến nay vẫn chưa có phương án "cứu" chợ. Theo những người dân nơi đây, trong quá trình lập dự án, các đơn vị chức năng đã không sát thực tế, dẫn đến tình trạng chợ xây dựng xong không thể hoạt động được.

Nhiều vi phạm ở chợ mới

Kể từ khi chợ Sa bị phá dỡ để xây dựng chợ du lịch - văn hóa Cổ Loa, hàng trăm tiểu thương đã bị "đẩy" ra ngoài do mặt hàng kinh doanh không phù hợp. Không có nơi buôn bán, trong suốt thời gian dài, từ tháng 4-2003 đến tháng 4-2012, người mua, người bán ở chợ Sa cũ phải họp chợ ở dọc hai bên đường. Trước tình hình đó, đầu năm 2012, huyện Đông Anh đã đầu tư hơn 875 triệu đồng và kinh phí đóng góp của nhân dân gần 270 triệu đồng để xây dựng chợ Sa mới trên khuôn viên rộng 4.212m2 (cách chợ Sa cũ khoảng 300m), chợ Sa mới bao gồm các hạng mục: 4 nhà cầu, 12 ki ốt, nhà vệ sinh, bể nước rửa, bể nước phòng cháy chữa cháy, sân bê tông... Sau khi xây dựng xong, huyện Đông Anh đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, lựa chọn đơn vị quản lý, kinh doanh chợ Sa mới.

Ngày 9-3-2012, UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số 499/QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại An Phát (Công ty An Phát) quản lý, kinh doanh với thời hạn 20 năm, được tính từ ngày 15-4-2012. Thế nhưng, kể từ khi tiếp nhận quản lý chợ đến nay, Công ty An Phát đã thực hiện không đúng Quyết định 499, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, công ty đã tự ý thay đổi cơ sở hạ tầng, thiết kế của chợ, đóng cọc, đổ đất lấn chiếm bờ sông Hoàng Giang để xây dựng thêm cầu bán hàng, làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu, thoát nước của sông. Theo biên bản bàn giao quyền quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Sa giữa UBND xã Cổ Loa và Công ty An Phát, thì chỉ có 4 nhà cầu được xây dựng, nhưng thực tế hiện nay có đến 6 nhà cầu. Như vậy, 2 nhà cầu được xây dựng thêm phía sông Hoàng Giang là công ty "cơi nới" nhằm thu thêm tiền của người dân. Không những thế, công ty đã san lấp trái phép hàng trăm mét đất canh tác đã được giao cho người dân theo Nghị định 64/CP, không nằm trong diện tích được bàn giao, không thuộc quy hoạch chợ để xây dựng nhà vệ sinh. Nghiêm trọng hơn, bể nước cứu hỏa của chợ cũng bị Công ty An Phát tự ý phá dỡ làm mặt bằng cho thuê... Tất cả những vi phạm nêu trên đã được UBND xã Cổ Loa yêu cầu phải xử lý, khắc phục, trả lại nguyên trạng trước ngày 25-6-2012. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm trôi qua, Công ty An Phát không những không thực hiện theo yêu cầu của UBND xã Cổ Loa, mà còn tiếp tục đổ hàng trăm mét khối đất xuống lòng sông Hoàng Giang để mở rộng chợ. Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Quốc Trung nói không biết, để kiểm tra lại. Còn Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đông Anh Nguyễn Văn Sỹ cũng có câu trả lời tương tự: Chúng tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra và thông tin đến các nhà báo sau.

Bên cạnh việc tự ý cơi nới của Công ty An Phát, các tiểu thương ở chợ Sa mới còn cho rằng thu các khoản phí ở đây quá cao lại không niêm yết công khai. Theo phản ánh của người dân, mức thu của Công ty An Phát cao gấp 4-5 lần so với Ban quản lý chợ cũ và các chợ lân cận. Một tiểu thương ở hàng vải trong chợ cho biết: Đối chiếu với mức thu phí do UBND xã Cổ Loa ban hành tại chợ Sa mới, các khoản phí do Công ty An Phát thu đều quá cao so với quy định. Điều đáng nói, tất cả các khoản thu này đều không có hóa đơn, biên lai, chứng từ theo đúng quy định...

Để giải tỏa những bức xúc của người dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các tiểu thương, đề nghị huyện Đông Anh làm rõ: Có hay không những vi phạm trong việc quản lý, khai thác chợ Sa mới; đồng thời, có phương án khai thác hiệu quả chợ du lịch - văn hóa Cổ Loa.
Kiều Linh - Chí Kiên (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: bo hoang, cho