Như với tín dụng ngoại tệ, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra thông tin cơ bản về định hướng điều hành chính sách để thị trường chủ động nắm bắt. Còn một tháng nữa để đón năm 2017, nhưng thông điệp về mục tiêu lãi suất đã sớm được gợi mở.

Ngân hàng Nhà nước từng dẫn chiếu số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực những năm gần đây để so sánh, với nhận định lãi suất cho vay bình quân ở Việt Nam đã tương đối hợp lý.

Trong thông cáo phát đi tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2017, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016.

Mục tiêu gợi mở “phấn đấu ổn định” như trên hàm ý khả năng tiếp tục giảm được lãi suất cho vay là rất khó, nếu không nói đến tình huống lãi suất có thể tăng lên trong năm 2017 và nhà điều hành phải phấn đầu giữ được ổn định như năm 2016.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa nêu chi tiết cơ sở để đặt mục tiêu định hướng nói trên. Tuy nhiên, đó có thể là quan ngại về triển vọng lạm phát năm tới, tình hình nợ xấu vẫn là trở ngại lớn, và hiện tượng chèn lấn từ nhu cầu đi vay của Chính phủ qua phát hành trái phiếu...

Mặt khác, sau nhiều biện pháp, cả điều chỉnh các chính sách quan trọng và hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, các bước giảm lãi suất, gần như là cuối cùng khi đặt trong các cân đối, đã được khai thác trong năm nay.

Trong năm 2016, lãi suất VND có diễn biến tăng lên và mở rộng nửa đầu năm. Từ cuối tháng 4, Chính phủ bắt đầu đưa mục tiêu giảm lãi suất cho vay vào các nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng sau đó. Và phải đến tháng 9, thị trường mới bắt đầu ghi nhận những chuyển động đầu tiên, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó tập trung ở khối ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm thị phần lớn).

Đến trung tuần tháng 10/2016, lãi suất cho vay VND mới có đợt giảm khá mạnh và tương đối mở rộng, gồm các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV cùng các thành viên khối cổ phần như HDBank, LienVietPostBank, VIB, PVcomBank... Đợt giảm này chủ yếu cho các khoản vay ngắn hạn, rút về còn 6-6,5%/năm.

Đó dự kiến cũng là nỗ lực giảm lãi suất cuối cùng trong năm 2016. Và năm 2017, với định hướng gợi mở bước đầu nói trên từ Ngân hàng Nhà nước, “phấn đầu ổn định như năm 2016” là mục tiêu.

Trong khi đó, câu chuyện mục tiêu lãi suất cũng được chú ý trong năm 2016, khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đặt ra. Ban đầu, dự thảo đề án này từng nêu con số mục tiêu cụ thể, đưa lãi suất cho vay về bình quân 5%/năm. Ngay sau đó, “tính bất khả thi” của mục tiêu này thu hút những ý kiến phản biện khác nhau.

Cuối cùng, ngày 8/11/2016, Quốc hội đã thông qua đề án tái cơ cấu nói trên, trong đó mục tiêu lãi suất được xác định chung hơn: giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.

Xoay quanh câu chuyện mục tiêu lãi suất nói trên, Ngân hàng Nhà nước từng dẫn chiếu số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực những năm gần đây để so sánh, với nhận định lãi suất cho vay bình quân ở Việt Nam đã tương đối hợp lý so với khu vực.

Số liệu dẫn chiếu từ WB cho thấy, lãi suất cho vay (lending interest rate) của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia là 12,7%/năm, Ấn Độ là 10,3%/năm, Thái Lan là 6,6%/năm, Philippines là 5,5%/năm, Singapore là 5,4%/năm; nhiều nước đang phát triển khác tại châu Á và châu Phi có lãi suất cho vay từ 15-17%/năm trong năm 2015…
Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.