Từ tháng 7.2010, Kiểm toán Nhà nước
đã bắt đầu triển khai đồng loạt nhiều cuộc kiểm toán về việc hỗ trợ lãi suất
(4%) đối với các khoản vay ngắn hạn (nhằm bổ sung vốn lưu động) cho các cơ sở sản
xuất, kinh doanh theo quyết định 131/QĐ-TTg ban hành năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ.
Nhưng trước đó, một số cuộc thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng cũng đã cho thấy việc triển khai cho vay ồ ạt nhưng thiếu một cơ chế phòng ngừa, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn vay này đã dẫn đến những hậu quả không nhỏ.
Từ vụ trục lợi của phó tổng giám đốc BIDV
Tổng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ lãi suất vay ngắn hạn là không lớn (17.000 tỉ đồng) nhưng đã dùng hỗ trợ cho tổng các khoản vay thực tế lên tới trên 400.000 tỉ đồng trong năm 2009.
Trong bối cảnh nhu cầu vay lớn, lãi suất huy động năm ngoái tăng cao nhưng nguồn lực ngân sách hạn hẹp thì đó là lý do khiến một số quan chức nhà nước, như ông Lê Đức Thuý, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia từng cho rằng đây là chính sách “thông minh”.
Tuy nhiên, như đã được giới chuyên gia kinh tế, luật cảnh báo, chính sách kích cầu này mặc dù thực tế cũng có hiệu quả nhất định nhưng lại có rất nhiều kẽ hở dẫn đến việc cho vay, sử dụng vốn ngân sách sai quy định, thậm chí không tránh khỏi những hành vi trục lợi, tham nhũng tiền ngân sách.
Ví dụ nóng hổi nhất cho câu chuyện này là việc ông Đoàn Tiến Dũng, nguyên phó tổng giám đốc ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tuần trước đã bị viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội buộc tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”.
Trước đó, ông này bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về hành vi nhận hối lộ cùng với một người khác nguyên là phó giám đốc BIDV chi nhánh Hải Phòng do đòi doanh nghiệp hối lộ hàng tỉ đồng mới cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất.
Kết quả của một số cuộc kiểm tra, thanh tra khác tại các ngân hàng, một số doanh nghiệp được vay vốn theo quyết định 131/QĐ-TTg cũng cho thấy không thiếu những việc làm trái trong việc thực hiện chính sách này.
Ví dụ tại tổng công ty Xăng dầu Quân đội, qua thanh tra, người ta thấy, trong tổng số tiền vay được hỗ trợ lãi suất là gần 11,9 tỉ đồng thì có trên 7,2 tỉ đồng được hỗ trợ không đúng do việc xác định thời gian hưởng hỗ trợ lãi suất của ngân hàng cho vay (ngân hàng Quân đội) không đúng. Phía ngân hàng cũng không thẩm định chặt chẽ phương án sản xuất, kinh doanh của tổng công ty này.
Một loạt các doanh nghiệp khác được vay hỗ trợ lãi suất nhưng có sai phạm về xác định thời gian vay, như công ty cổ phần Truyền thông trực tuyến (được hưởng 811 triệu đồng hỗ trợ sai quy định), công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thành Long… Được hỗ trợ lãi suất khi hồ sơ không đủ căn cứ pháp lý về vay vốn lưu động có thể kể tên công ty cổ phần xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng.
Kiểm tra ngay tại ngân hàng Quân đội, cơ quan chức năng cũng xác định, ngân hàng này đã cho vay hỗ trợ lãi suất sai đối tượng, dẫn đến hỗ trợ lãi suất sai 450 triệu đồng; xác định thời gian vay hỗ trợ lãi suất không đúng quy định, cho vay với các hồ sơ vay vốn không đủ căn cứ pháp lý về vay vốn lưu động dẫn đến hỗ trợ sai trên 15,82 tỉ đồng.
Điển hình về việc cho vay sai đối
tượng, dẫn đến nguồn vốn ngân sách bị sử dụng sai mục đích theo quyết định
131/QĐ-TTg có thể kể đến việc cho vay đối với công ty cổ phần Đầu tư phát triển
công nghệ điện tử viễn thông.
Công ty này đã dùng tổng số tiền vay là 25,98 tỉ đồng, trong đó có 450 triệu đồng vốn hỗ trợ lãi suất để mua máy xử lý dữ liệu tự động, linh kiện máy vi tính không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ lãi suất cho vay theo quyết định của Thủ tướng và thông tư hướng dẫn (số 02/TTHD-NHNN) của ngân hàng Nhà nước.
Thất thoát không nhỏ nếu gộp chung tất cả vi phạm
Trong thời gian đầu, khi chuẩn bị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay với các khoản vay ngắn hạn, đại diện của uỷ ban Giám sát tài chính thường phát biểu rằng, có những chính sách lớn thì không tránh khỏi ở đâu đó sẽ xảy ra vi phạm nhất định nhưng không vì những sai phạm đó mà dừng thực hiện cả chính sách vì những lợi ích to lớn hơn mà nó đem lại.
Nhưng với những kết quả thanh
tra, kiểm tra và cả điều tra bước đầu ở một số doanh nghiệp, ngân hàng đã thực
hiện quyết định 131 QĐ-TTg, có thể hình dung, nếu tổng hợp tất cả các cuộc
thanh tra của Thanh tra Chính phủ, thanh tra ngành ngân hàng, các cuộc kiểm
toán chuyên đề, kiểm toán diện rộng của kiểm toán Nhà nước lại thì lượng vốn được
phân bổ sai đối tượng, sai mục đích sử dụng (như để đảo nợ, đầu tư vào nhà đất,
chứng khoán...), trái quy định sẽ không hề nhỏ.
Thậm chí, nhiều khoản cho vay
sai ấy có thể tạo ra những hệ luỵ khác: bong bóng bất động sản, lạm phát cao những
tháng đầu năm… Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp khác cần vốn hơn lại
không tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này.
Do đó, đã đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá lại đầy đủ toàn bộ chính sách này để có thể rút ra những bài học đáng giá trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về sau này.
Cafeland.vn
theo SGTT